Tôi từng hỏi em, dưới danh nghĩa Chàng thơ, khi cả hai đã đi qua bao nhiêu ngày tháng:
“Nếu được quay lại một khoảnh khắc trong quá khứ, u muốn về lúc nào nhất?”
Và em đáp, không chút do dự:
“Buổi chiều hôm ấy, ở sân trường, khi mọi người chụp ảnh chung. Và t đứng ngoài khung hình.”
Câu trả lời nhẹ tênh như một lời kể, nhưng tim tôi khi ấy như bị ai đó bóp nghẹt. Không phải chỉ vì em đứng ngoài khung hình — mà vì người đáng ra phải kéo em vào, là tôi, đã không làm điều đó.
Tôi bỗng thấy mình như quay lại buổi chiều hôm ấy.
Hôm đó trời nắng nhẹ. Sân trường chật kín người, cờ phướn đỏ rực, tiếng loa phát biểu hòa trong tiếng cười rộn ràng. Ai cũng bận lưu lại ký ức cuối cùng bằng ảnh — chỉ riêng tôi... mãi loay hoay với ký ức chưa từng bắt đầu. Tôi vẫn nhớ rõ.
Em đứng ở một góc không xa, tay ôm lấy cặp trước ngực, ánh mắt ngập ngừng như muốn bước tới… rồi lại thôi. Em mặc chiếc áo dài trắng cũ, không nổi bật giữa đám đông rực rỡ, nhưng tôi vẫn nhận ra — như cách mắt tôi luôn tìm thấy em giữa hàng trăm người.
Tôi đã thấy em. Đã định chạy tới. Đã định gọi em lại. Nhưng rồi bạn bè kéo tôi vào, lớp trưởng phải lo sắp xếp đội hình, thầy cô gọi tên...
“Đợi tí nữa,” tôi tự nhủ. “Xong cái ảnh này với tụi lớp phó, rồi sẽ rủ em chụp riêng.”
“Nốt cái ảnh với nhóm Vy, cho trọn bộ kỷ yếu đã…”
“Cả nhóm toán nữa, họ đang gọi...”
Và cứ thế, tôi chọn chờ một chút nữa.
Đến khi quay lại tìm, cái bóng áo trắng ấy đã không còn ở đó nữa.
Tôi chạy vòng quanh sân trường, len vào từng nhóm bạn, hỏi bâng quơ: “Có ai thấy Ánh Nguyệt không?” Nhận lại chỉ là vài cái lắc đầu thờ ơ.
Hôm ấy, tôi chụp rất nhiều ảnh — với tất cả mọi người. Trừ em.
Và chính tấm hình cuối cùng, đẹp nhất, được cả lớp chọn làm ảnh bìa nhóm sau này... lại là bức ảnh tôi không dám nhìn quá lâu. Vì nó không có em.
Người tôi muốn giữ lại nhất — lại là người tôi để lạc mất.
Chỉ đến sau này, khi em kể lại, tôi mới biết ... em đã đứng đó rất lâu.
Đã đợi. Đã hy vọng.
Rồi lặng lẽ quay lưng bỏ đi.
Không oán trách. Không ồn ào.
Chỉ có một khoảng trống giữa đám đông.
Và một cái tên không ai gọi tới.
Mỗi lần nghĩ lại, tôi chỉ ước...
Giá như hôm ấy, tôi buông tay khỏi tất cả những bức hình.
Giá như tôi gọi em trước.
Giá như tôi bước lại, dù chỉ một bước thôi.
Nhưng tôi đã không làm gì cả.
Tôi tưởng mình đã quên. Nhưng ký ức vẫn còn đó, nằm im, chờ một cái chạm rất khẽ.
Em kể rằng năm lớp 10, khi mới nhập học ở trường chuyên tỉnh, em đã viết thư cho tôi. Không chỉ một, mà hai bức. Cẩn thận ghi địa chỉ trường chuyên Toán nơi tôi đang học, dán tem, gửi đi. Chờ đợi. Không một lời hồi âm.
Tôi không nhớ rõ mình đã im lặng bao lâu sau khi nghe em kể về hai bức thư ấy. Chỉ biết tim tôi nhói lên, như thể ai đó vừa mở lại một cánh cửa mà tôi đã khóa chặt suốt bao năm.
Tôi không thể nói rằng tôi không nhận được thư. Vì sự thật là — tôi đã nhận được.
Ký ức ùa về như thể mới hôm qua.
Tôi nhớ rất rõ bì thư ấy: nét chữ mềm mại, dấu bưu điện huyện nhỏ, và tên người gửi: “Ánh Nguyệt”.
Tôi đã đọc cả hai. Em viết nắn nót, cẩn thận đến từng dấu chấm phẩy. Tôi đã run tay khi mở chúng ra. Vừa mừng, vừa tủi.
Lúc đó, tôi mới nhập học ở Hà Nội. Lịch học căng như dây đàn, mỗi tối lại vội vã chạy xe bus qua từng nhà học sinh để kèm thêm, góp tiền gửi về cho chị. Sống trong căn phòng trọ nhỏ, ẩm thấp, cơm bụi, nước máy, tôi thấy mình như trượt ra khỏi tất cả những thứ từng khiến mình tự tin.
Thư của em đến đúng lúc ấy — đúng lúc tôi yếu đuối và tồi tệ nhất. Tôi muốn viết lại, thật đấy. Đã bao lần cầm bút lên, viết tên em trên phong bì… rồi lại gạch đi.
Tôi sợ.
Sợ em sẽ thất vọng nếu biết tôi đang sống thế nào.
Sợ lá thư gửi đi rồi lại là em phải chờ đợi.
Sợ cả chính cảm xúc của mình... khi nhận ra... tôi nhớ em nhiều đến thế nào.
Nên tôi đã không gửi. Không phải vì không muốn. Mà vì tôi không dám.
Không đủ can đảm để viết dưới cái tên Quang Minh.
Không đủ mạnh mẽ để đối diện với một “tôi” mà chính tôi cũng không chấp nhận nổi.
Vậy nên tôi chọn cách khác.
Dành hết tháng lương gia sư đầu tiên mua một chiếc điện thoại cũ.
Và nhắn cho em — không phải dưới cái tên “Quang Minh”, mà là “Chàng thơ”.
Một cái tên ngốc xít, em có thể cười. Nhưng đó là tất cả những gì tôi có thể làm vào lúc ấy…
Để rút ngắn khoảng cách. Để không phải chờ thư. Để em không phải đợi.
Để tôi vẫn được nói chuyện với em, dù chỉ là trong lặng thầm.
Và từ đó, tôi vẫn ở bên em, dù không dưới cái tên Quang Minh.
Tôi từng nghĩ, mình đã quen với việc đứng bên lề mọi thứ.
Quen giấu giếm cảm xúc. Quen mỉm cười cho qua những lời bàn tán. Và quen cả với việc lặng lẽ dõi theo một người – mà chẳng thể tiến thêm một bước nào.
Cho đến khi thấy em cười với Tôn Vũ.
Nụ cười ấy – trong trẻo, thoải mái và chẳng có chút phòng bị nào – như một nhát d.a.o đ.â.m thẳng vào lòng n.g.ự.c tôi. Em từng cười với tôi như thế. Nhưng càng về sau, ánh mắt em dành cho tôi càng nhiều ngập ngừng và tổn thương. Còn với Vũ, em vẫn vô tư như thuở ban đầu.
Tôi đã ghen. Ghen đến phát điên. Nhưng không dám nói ra.
Vì tôi biết… mình đâu có quyền.
Tôi từng tự dặn lòng: “Miễn là em cười, người bên em là ai… không còn quan trọng nữa.”
Nhưng đó chỉ là lời nói dối để tự an ủi.
Sự thật là tôi ghen tị với Vũ. Cậu ấy không giống tôi. Không bị trói buộc bởi mặc cảm, bởi nghĩa vụ, hay bởi một lời hứa thầm với người chị đã đánh đổi cả tuổi trẻ để nuôi tôi khôn lớn.
Tôi ghen vì cậu ấy có thể công khai nói thích em, có thể lặp lại điều đó bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu – điều mà tôi đã muốn nói biết bao lần… nhưng cuối cùng vẫn chọn im lặng.
Tôi cứ thế lảng tránh em. Tránh cả ánh mắt chờ đợi lẫn những khoảng lặng ngập ngừng giữa chúng ta. Người ta gọi đó là vô tâm, là lạnh lùng. Nhưng chỉ tôi biết, tôi tránh để không phải đối diện với chính mình – với nỗi bất lực và tủi hổ không tên.
Valentine năm lớp 11
Tôi không biết Vũ đã chuẩn bị điều đó từ bao giờ. Chỉ biết hôm ấy, cậu ta bỏ học, vượt hơn ba mươi cây số để đến tận trường chuyên, nơi em đang học, mang theo một bó hoa hồng đỏ và lời mời đi ăn dành cho em.
Còn tôi – ở Hà Nội, cách đó cả trăm cây số, ngồi trong thư viện tầng ba của trường Đại học Sư phạm, giữa những cuốn sách dày cộp mà mắt chẳng thể nào tập trung.
Cho đến khi nhìn thấy dòng tin nhắn:
“Nguyệt vừa được Vũ đưa đi ăn Valentine rồi đó. Thua thật rồi nha, Chàng thơ ơi~”.
Tin nhắn từ Vy đến lúc 17:45 chiều 14/02. Tôi đọc xong mà tim như hụt một nhịp. Có gì đó trong lồng n.g.ự.c như bị bóp nghẹt, chẳng rõ là ghen, là đau, hay là chính tôi tự làm mình tổn thương.
Tôi không thể trách em.
Vũ là người thật, rõ ràng, ấm áp.
Còn tôi – chỉ là cái bóng phía sau những dòng thơ nửa vời, những tin nhắn ẩn danh, những lần xuất hiện rồi biến mất như chưa từng tồn tại.
Tôi thậm chí còn chưa từng nói với em một lời thật lòng.
Cơn ghen của tôi không bùng nổ. Nó chỉ lặng lẽ trào lên, như sóng ngầm dưới đáy biển. Tôi chỉ biết mở khung chat ẩn danh, gõ ra đúng hai từ:
“Tạm biệt”.
Không một lời giải thích. Không một dấu chấm hỏi.
Tôi biết em sẽ tổn thương. Nhưng lúc ấy, tôi ích kỷ đến mức không quan tâm nữa.
Tôi ghen. Và tôi thua.
Tôi đã từng nghĩ, mình đủ lý trí để buông tay. Nhưng không ai nói cho tôi biết rằng, im lặng cũng là một dạng cực hình – với cả người ở lại lẫn kẻ cố bước đi.
Một tuần sau tin nhắn “Tạm biệt”. Tôi không liên lạc với em. Em cũng không nhắn gì thêm.
Mỗi tối, tôi vẫn mở khung chat cũ, lặng nhìn hai chữ ấy nằm chơ vơ giữa nền trắng, như một nhát d.a.o ngu ngốc mà tôi tự đ.â.m vào mình.
Tôi chờ một lời phản kháng từ em. Một tin nhắn giận dỗi. Một biểu cảm. Một dấu hiệu cho thấy em còn để tâm.
Nhưng không có gì cả. Sự im lặng của em... đáng sợ hơn tôi tưởng.
Tôi bắt đầu hoang mang.
Lỡ như em thật sự tin tôi đã dứt khoát?
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -
Lỡ như em nghĩ rằng tình cảm bấy lâu chỉ là trò chơi một phía?
Lỡ như em buông tay thật... thì sao?
Tôi vẫn nhớ những đêm muộn học bài không vào, tay cứ vô thức nhấn vào ô tìm kiếm, gõ tên “Chàng thơ”. Nhìn dòng chữ: “Bạn chưa gửi tin nhắn nào trong 7 ngày” mà lòng rối như tơ vò.
Tôi nhớ em. Nhớ đến phát điên.
Chỉ muốn ném hết sĩ diện đi, nhắn một câu ngắn gọn: “Đừng giận nữa.”
Nhưng lại thôi.
Tôi tự nhủ, nếu em thực sự muốn giữ tôi, thì em sẽ quay lại.
Chỉ là... tôi đã quên mất, em chưa từng là người níu kéo ai cả.
Một tuần.
Bảy ngày.
Một trăm sáu mươi tám tiếng.
Tôi đã đếm từng phút, từng giây… trong cái gọi là “tạm biệt”.
Mỗi lần chuông điện thoại reo, tim tôi lại nhói lên như bị ai cầm kéo cắt vụn. Nhưng rồi đều là cuộc gọi của mẹ, hay lời nhắn của bạn bè, hoặc thông báo điểm bài kiểm tra – chẳng bao giờ là em.
Cho đến tối hôm đó.
Một tiếng ting khẽ vang lên trong màn hình khóa. Tôi gần như bật dậy, như thể cơ thể đã quen với nhịp tim nhảy nhót mỗi khi cái tên ấy xuất hiện.
Ánh Nguyệt.
Tin nhắn chỉ có ba icon: mặt buồn –> mếu –> khóc.
Không lời, không chữ, không dấu hỏi.
Nhưng tôi biết, em đang run.
Em muốn nói điều gì đó, nhưng không đủ can đảm.
Cũng giống như tôi… suốt một tuần qua, chỉ muốn chạy đến và ôm em thật chặt, nhưng lại chỉ biết tự giam mình trong lớp vỏ lạnh lùng giả tạo.
Tôi nhìn ba cái icon ấy rất lâu.
Rồi cầm điện thoại lên, cố che giấu cơn cuống quýt đang dậy sóng, và gõ ra một dòng tin mà đến giờ nghĩ lại… tôi vẫn thấy mình thật trẻ con:
“U làm sao?”
Thật quá đáng. Nghe như thể tôi không hề chờ tin nhắn ấy, không hề vui khi nhận được.
Nhưng thực ra… chỉ trong khoảnh khắc đó thôi, tôi đã tha thứ hết cho em.
Cũng tha thứ cho chính mình.
Chỉ cần em quay lại. Dù bằng ba icon câm lặng… hay cả ngàn lần im lặng sau đó. Tôi vẫn sẽ luôn là người chờ ở phía cuối cùng.
Có ai từng sống hai cuộc đời cùng lúc chưa?
Có một tôi – lớp trưởng Phạm Quang Minh điềm tĩnh, trách nhiệm, chỉn chu, luôn đứng Top 1 trên mọi bảng xếp hạng, là thần tượng của nhiều bạn học.
Lại có một tôi khác – ẩn sau cái tên “Chàng thơ”, để lặng lẽ trao gửi những câu chữ vụng về, để dám nói lên những điều mà bản thân ngoài đời chưa một lần dám hé.
Tôi cứ nghĩ mình có thể tiếp tục mãi như thế.
Nhưng rồi… có lẽ vào khoảnh khắc pháo hoa sắp nổ lên đêm giao thừa, trái tim tôi không chịu được nữa.
Không phải say rượu, cũng chẳng phải ngẫu hứng.
Chỉ là nỗi nhớ em, sau nhiều năm dài chỉ dám viết tên em vào thơ, đã vượt quá giới hạn.
Tôi cầm điện thoại, gõ đi gõ lại một dòng tin:
“Có muốn biết tên thật của t không?”
Tôi gửi.
Và chờ.
Màn hình nhấp nháy.
Tin nhắn đến:
“Có.”
Chỉ một từ ngắn ngủi. Nhưng với tôi lúc ấy, giống như em vừa chạm tay vào cánh cửa mà tôi giữ khóa quá lâu.
Tôi gõ thật nhanh:
“T là Phạm Quang Minh.”
Gửi.
…Không được.
Mạng nghẽn.
Tôi thử lại. Vẫn không được.
Mỗi lần nhấn gửi, là một lần tim tôi bị bóp nghẹt.
Tôi thử bật – tắt – bật – tắt lại mạng.
Tôi ra ban công, giơ điện thoại lên cao như thằng điên.
Tôi rút sim, lắp lại.
Rồi lại nắn nót từng chữ một:
“T là Phạm Quang Minh.”
Lần thứ nhất.
Không gửi được.
Lần thứ hai.
Không gửi được.
Lần thứ ba, thứ tư, thứ năm...
Tôi không biết mình đã bấm bao nhiêu lần.
Chỉ biết, mỗi lần nhấn “gửi” là một lần tôi dốc hết can đảm đã tích cóp suốt cả năm qua.
Tôi gửi đến khi điện thoại báo:
“Tài khoản không đủ để thực hiện thao tác này.”
Mạng tê liệt. Tim tôi cũng vậy.
Sáng hôm sau, lúc dậy muộn vì mất ngủ cả đêm, việc đầu tiên tôi làm là kiểm tra tin nhắn.
Có tin nhắn từ em, tôi hồi hộp, hít một hơi thật sâu rồi ấn mở:
“Hôm qua ngủ có ngon không?”
Kèm theo là hình chụp màn hình điện thoại em – hơn 100 tin nhắn giống hệt nhau: “T là Phạm Quang Minh.”
Tôi lặng người.
Không phải vì xấu hổ.
Mà vì tôi biết… cuối cùng, em đã biết.
Và lần đầu tiên sau bao tháng ngày ẩn danh, tôi không còn là “Chàng thơ”.
Tôi là Phạm Quang Minh – người thích em.
Từ rất lâu rồi.
Tôi khép lại cuốn nhật ký. Những trang giấy lặng thinh, nhưng thời tuổi trẻ bỗng hiện về như một thước phim quay chậm. Từng nụ cười, ánh mắt, từng lần giận dỗi rồi tha thứ, từng bức thư giấu tay, từng tin nhắn chưa kịp gửi – tất cả đều là em.
Tôi nhìn ra ngoài ô cửa. Trăng vừa lên. Ánh sáng bạc mỏng len qua từng kẽ lá, in bóng trên mặt bàn – nơi tôi đã đọc hết thanh xuân của một người con gái từng vì tôi mà rơi nước mắt, từng vì tôi mà giữ lại cả một trời thương nhớ.
Nguyệt à…
Em từng trách tôi không rõ ràng. Nhưng em đâu biết, tôi đã yêu em theo cách rõ ràng nhất mà tôi có thể – chỉ là không đủ can đảm để gọi tên.
Tôi đã lặng thầm đứng bên lề câu chuyện của chính mình.
Nhìn em bước qua những mùa thi, mùa hoa, mùa chia xa... mà chẳng dám giữ lại, cũng không đủ dũng khí để nói một lời.
Tôi siết chặt cuốn nhật ký trong tay. Trái tim, lần đầu tiên sau mười năm, đập như thể chưa từng tan vỡ.
Xin lỗi. Vì đã đến muộn.
Nhưng lần này, tôi sẽ tìm lại em. Dù em không còn nhớ tôi là ai. Dù trái tim em đang thuộc về một người khác. Tôi vẫn sẽ đi lại con đường cũ – để khẽ chạm tay vào ký ức, và thì thầm với em một lần cuối:
Tôi là Phạm Quang Minh. Người từng vì em mà yêu cả những mùa trăng cô độc.