Mỗi ngày ở cạnh em, tôi đều tự nhủ phải thật vững vàng.
Vì chúng tôi không chỉ học cùng lớp, mà còn đang sống giữa một môi trường cạnh tranh đến nghẹt thở.
Một lớp chọn chất đầy áp lực, nơi mà bảng xếp hạng học tập treo cuối lớp mỗi tháng như một lời nhắc nhở: không ai được phép bước chậm.
Lên lớp 9, trường tách riêng đội tuyển để tập trung ôn luyện cho kỳ thi cấp tỉnh. Tôi vào đội tuyển Toán, còn Ánh Nguyệt là đội tuyển Anh. Cũng từ đó, giờ học chung dần thưa đi, mỗi người như trôi về một thế giới riêng biệt với những người đồng hành mới.
Tôi ngồi cạnh Nguyệt Nga ở lớp Toán. Cô ấy học rất giỏi, nhanh nhạy và sắc bén – nhưng không gây khó chịu. Thậm chí, những lúc không nói gì, cô ấy lại khiến người khác thấy dễ thở hơn. Có lần tôi quên mang thước, cô lẳng lặng đẩy cái của mình sang, không nói gì nhưng cũng không đợi cảm ơn. Giữa giờ, chúng tôi thường nói chuyện về đề thi, thỉnh thoảng trêu nhau vài câu kiểu “cán bộ lớp” – vậy mà dần dà, trong mắt người ngoài… chúng tôi trông như rất thân thiết.
Còn Ánh Nguyệt…
Em vẫn đi học đều, vẫn xuất sắc như mọi khi trong những giờ Tiếng Anh tăng cường ở dãy nhà C, nhưng chẳng hiểu sao… em dần tránh mặt tôi. Những cuộc trò chuyện lưng chừng. Những lần vô tình bắt gặp nhau ở sân trường, em đều vội vã rẽ lối khác. Có một lần tôi còn thấy em quay lưng đi khi nhìn thấy tôi từ xa.
Cứ mỗi lần bắt gặp em rẽ lối khác, lòng tôi lại hụt đi một nhịp.
Tôi không hiểu. Hay đúng hơn là… tôi không dám hiểu.
Chỉ có một thứ giữ tôi với em – là những bức thư nặc danh lặng lẽ xuất hiện trong ngăn bàn bí mật mỗi sáng. Nét chữ ấy, cách viết ấy… từng câu từng từ dịu dàng như thấm vào lòng bàn tay tôi mỗi khi chạm vào. Tôi biết là em. Bằng một niềm tin không cần lý do.
Và tôi cũng viết thư hồi âm. Giấu lại vào ngăn bàn của em cuối mỗi buổi học, những chiều sân trường lặng gió. Không ghi tên. Không đề xưng hô. Chỉ là hai tâm hồn đang tìm nhau bằng những mảnh chữ. Một mối quan hệ vô hình nhưng đầy cảm xúc – như thể chúng tôi đang yêu… theo cách lặng lẽ và lén lút nhất trên đời.
Nhưng tôi chưa từng trực tiếp thừa nhận điều đó.
Tôi sợ nếu nói ra, mọi thứ sẽ vỡ.
Tôi sợ em sẽ nghĩ… tôi chỉ đang chơi đùa.
Tôi sợ — bởi chính tôi cũng không chắc mình có đủ tử tế để xứng đáng với những điều trong trẻo mà em từng trao đi.
Có những đêm ngồi một mình giữa ánh đèn học lặng lẽ, tôi từng tự hỏi… nếu tôi là một người khác – tự do hơn, nhẹ gánh hơn – liệu tôi có đủ can đảm để bước đến bên em?
Nhưng tôi không có được cái gọi là “tự do”.
Sau mỗi buổi học, bạn bè rủ nhau ăn vặt, đá bóng, cười đùa về thần tượng mới hay bộ phim đang hot… Còn tôi, đạp xe thật nhanh về phòng trọ – nơi chị tôi đang cặm cụi gom ve chai, khâu lại áo cũ, gấp từng tờ giấy nháp cho tôi học lại. Không ai trong lớp biết tôi sống thế nào. Không có bố mẹ, chỉ có hai chị em nương tựa vào nhau.
Tôi là đứa em nhỏ được chị cưng chiều và đặt hết hy vọng. Cún mặc quần áo đi xin lại, để tôi được khoác lên mình bộ đồng phục trắng phẳng phiu, thơm nức. Chưa bao giờ chị để tôi phải thua kém bất kỳ đứa bạn nào trong trường. Còn tôi, luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác, không phải cho riêng bản thân tôi, mà vì tôi là cả tương lai của chị. Đó là lý do vì sao tôi chưa bao giờ cho phép bản thân mình trượt khỏi vị trí Top 1.
Và cũng là lý do tôi giấu đi những rung động đầu đời. Giấu đi cả một người con gái tôi luôn dõi theo – Ánh Nguyệt.
Tôi sợ chị biết. Sợ chị sẽ thất vọng. Sợ chị sẽ nghĩ tôi là thằng vô dụng, không biết điều. Trong khi chị phải vất vả chắt chiu từng đồng cho tôi có sách vở mà học, thì tôi lại mải mê viết thư tay và mơ mộng về một ánh mắt hiền lành nơi hành lang lớp học.
Tôi tự nhủ — chỉ khi nào có thể tự lập, tự lo cho mình và đỡ đần cho chị, tôi mới có tư cách giữ cho mình một niềm riêng.
Vậy nên, tôi đã im lặng.
Im lặng trước những tin đồn.
Im lặng trước ánh mắt tổn thương của em.
Im lặng cả khi trái tim tôi run lên, chỉ vì một nụ cười của em trong nắng.
Vì tôi nợ chị gái mình cả một cuộc đời.
Em là điều đẹp đẽ đến mức… tôi không dám mơ mình có thể chạm đến.
Vậy nên ….
Em nói rằng thích tôi — nhưng tôi lại không thể nhận.
Lần đầu tiên nhắn tin cho em, tay tôi run đến mức bấm sai ba lần.
Không phải vì sợ em phát hiện ra danh tính, mà là sợ em… không trả lời.
Và đúng như vậy thật.
Ba tin nhắn.
Chờ một ngày.
Rồi hai ngày.
Rồi một tuần.
Không có hồi âm.
Tôi mở – đóng – mở – đóng khung trò chuyện mỗi tối, như thể chỉ cần nhìn lâu thêm chút nữa thì một phép màu sẽ xảy ra.
Nhưng không.
Em vẫn im lặng.
Tôi đã từng tưởng tượng ra vô vàn phản ứng của em: ngạc nhiên, tò mò, bối rối...
Chỉ không ngờ rằng, với em, tôi chẳng khác gì một tin nhắn rác — bị bỏ quên dưới hàng trăm thông báo.
Cho đến khi tôi không nhịn được nữa, viết một bài thơ gửi đi.
Vừa là để chọc em, vừa là lời oán trách nhẹ nhàng:
“Tin ta gửi cả tuần không hồi,
Em là Nguyệt hay con gái Yết Kiêu?”
Lần này, em trả lời.
“Ai vậy?”
Trái tim tôi đập loạn.
Muốn gõ “Tớ là Phạm Quang Minh” ngay lúc đó.
Nhưng tôi lại không làm.
Tôi sợ.
Tôi sợ nếu nói ra, em sẽ ngừng nhắn.
Sợ ánh nhìn từ em sau này sẽ không còn như trước.
Thế là tôi nói:
“Em đoán thử đi. Ba lượt.”
...
“Quang Minh?”
Một phần trong tôi như tan chảy. Còn phần kia... c.h.ế.t lặng vì hạnh phúc.
Em đoán tên tôi ngay từ lượt đầu tiên.
Không phải ai khác.
Không phải Vũ, không phải thằng lớp bên.
Mà là tôi.
Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, gõ tiếp:
“Sao lại nghĩ là Quang Minh?”
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -
Rồi tin nhắn từ em hiện lên:
“Vì tôi thích cậu ấy.”
Tôi buông điện thoại.
Không phải vì sốc.
Mà vì… tôi đã chờ câu này rất lâu rồi.
Chỉ là — không phải theo cách này.
Không phải dưới cái tên giả, ẩn sau ba lượt đoán.
Không phải khi chính tôi cũng không đủ can đảm nhận lấy em.
Để rồi, tôi lại đánh mất cơ hội.
Tôi trả lời:
“Nhưng tiếc là anh không phải Quang Minh. Em còn 2 lượt đoán nữa.”
Tôi thấy ba chấm gõ hiện lên. Rồi mất.
Hiện lên. Rồi mất.
Cho đến khi em nhắn:
“Thôi khỏi đi. Nếu không phải Quang Minh thì ai cũng như nhau.”
…
Tôi đọc đi đọc lại câu ấy đến phát điên.
Nếu không phải Quang Minh thì ai cũng như nhau.
Câu nói ấy như một nhát d.a.o cắm xuống giữa những giấc mơ tôi vẫn thêu dệt mỗi đêm.
Tôi không còn là “ai cũng như nhau”.
Tôi chính là người em thích. Duy nhất.
Nhưng tôi lại chẳng thể nhận.
Ngay lúc ấy, tôi chỉ ước — rằng mình có thể dang tay ôm lấy em, nói khẽ vào tai em:
“Tớ đây. Là Quang Minh đây.
Đừng đoán nữa.
Và đừng rút lại lời ấy.”
Vậy nên…
sau này khi có ai đó hỏi tôi rằng “từng được tỏ tình chưa?”, tôi đã mỉm cười, nghĩ đến em và nói:
“Rồi. Nhưng không phải bằng lời,
mà bằng một lần em đoán đúng tên tôi.”
Tôi đã từng có cơ hội. Một lần.
Dưới cái tên thật, với nắng chiều rơi qua ô cửa lớp học, và tay em run lên bên một bài hình khó.
“Lỡ mai này, tớ giải được hình học không gian… thì cậu có thể dạy tớ hình… trái tim không?”
Tôi đã đi qua những mùa gió khác. Nhưng không mùa nào thổi về được cái buổi chiều ấy — nơi có em và một bài hình lơ lửng giữa hai nhịp tim chưa kịp gọi tên nhau.
Tôi vẫn nhớ hôm đó là thứ Sáu.
Lớp đã tan từ lâu. Cửa sổ mở toang, nắng đổ xiên qua những dãy bàn trống hoác. Mọi âm thanh đều lặng đi, chỉ còn tiếng bút chạy, tiếng gió vờn nhẹ lên tóc, và tiếng cười khúc khích rất nhỏ — của một người con gái ngồi cạnh tôi.
Em bảo nhìn vô bài hình là muốn khóc.
Tôi thì lại muốn đứng yên thật lâu ở đó, chỉ để nghe em than vãn, nhìn nét bút em đi sai rồi run lên từng chút.
Tôi đã không cười khi em vẽ sai.
Tôi chỉ nắm tay em lại, nhẹ nhàng như sợ làm em đau, rồi chỉnh đường thẳng đó — từ điểm A đi qua 120 độ — thành một thứ gì đó mềm hơn cả công thức: một cái chạm đầu tiên.
Tay em nhỏ. Mát lạnh. Và mềm như thể được dệt từ gió.
Tôi không biết ai là người rút tay lại trước. Có thể là tôi. Có thể là em.
Nhưng điều tôi nhớ rõ nhất, là không ai trong hai đứa muốn kết thúc khoảnh khắc đó.
Vì không hẳn là tình yêu, mà cũng không chỉ là bạn.
Tôi nhớ đã nói: ‘Bàn này lúc nào cũng có gió.’
Em cười, ngơ ngác như thể tôi vừa nói điều gì đó rất ngốc.
Nhưng gió vẫn lướt qua tóc em — rồi đi xuyên qua trái tim tôi, để lại một khoảng trống mà sau này không gì lấp nổi
Em nhắc đến thơ.
Tôi đã định nói điều gì đó, nhưng lại thôi.
Vì khi còn trẻ, người ta hay tin rằng có rất nhiều thời gian để nói ra. Rằng sẽ còn nhiều buổi học nhóm, nhiều bài hình khác, nhiều cơ hội để nắm tay nhau thêm lần nữa.
Nhưng hoá ra… không có.
Chiều hôm đó — tôi từng nghĩ sẽ chỉ là một buổi chiều trong vô số.
Không ngờ lại là một buổi chiều duy nhất.
Và kể từ sau khi em biến mất, bàn cuối ấy… dù có gió thổi, cũng chẳng còn ấm thêm lần nào nữa.
Tôi không nhớ đã bao lần quay lại ngôi trường ấy sau này.
Chỉ biết rằng, lần nào cũng có một thói quen kỳ lạ: đi ngang qua dãy lớp học cũ, dừng lại ở ô cửa sổ cuối hành lang, nơi từng có một người con gái ngồi chống cằm than thở về những bài hình khó đến phát khóc.
Bàn cuối vẫn còn đó.
Cái bàn gỗ có vết xước dài, nơi tôi từng lén vẽ một hình trái tim nhỏ bằng đầu compa, rồi vội vàng xoá đi trước khi em nhìn thấy.
Gió vẫn thổi.
Từ cửa sổ vào, dọc hành lang, rồi vờn qua đúng chỗ cũ —
như thể đang gọi tên ai đó, nhưng không ai đáp lại.
Tôi đã sống thêm nhiều năm, đọc hàng trăm cuốn sách khó hơn hình học lớp 12, làm hàng nghìn bài kiểm tra khó hơn một bài thi vào Y Hà Nội.
Nhưng không bài nào khiến tôi bối rối hơn một câu hỏi không bao giờ có lời giải:
“Nếu hôm đó tôi giữ tay em lâu thêm một chút, liệu có gì thay đổi không?”
Có lẽ là không.
Vì tình cảm của chúng tôi… chưa bao giờ được gọi thành tên.
Nó như gió, chỉ có thể cảm nhận, không thể níu giữ.
Và một khi đã lướt qua — sẽ chẳng bao giờ quay lại đúng theo cách cũ nữa.