Quên đi những năm tháng cấp hai ẩm ướt mưa phùn, những buổi tan học đầy mùi lá mục, những cánh thư không tên để lại trong hộc bàn. Quên cả những rung động đầu đời chỉ dám cất giấu trong lòng, và cả một người con gái mang tên Ánh Nguyệt.
Nhưng có những ký ức càng cố quên lại càng hằn sâu. Như ánh sáng của một vầng trăng bị mây che lấp – không biến mất, chỉ lặng thầm ở đó, chờ một đêm thật trong để chiếu rọi trở lại.
Tôi mở cuốn sổ nhỏ Tôn Vũ đưa. Trang đầu là nét chữ nghiêng nghiêng, mềm như gió:
“Gửi chàng trai năm mười bảy tuổi…”
Tay tôi khựng lại.
Tim tôi bỗng co thắt, như có ai đó bất ngờ siết nhẹ một vết thương cũ tưởng đã lành.
Hàng chữ mực tím nhòe một góc – như thể đã từng bị nước mắt làm mờ.
Không rõ của ai.
Có lẽ là em.
Cũng có thể… là tôi.
Em từng viết rằng…
“Tên tớ là Ánh Nguyệt, nhưng cậu ấy thích… Nguyệt khác”
Tôi đã bật cười – một tiếng cười không vui.
Em đâu biết, nếu có điều gì khiến tôi ấn tượng trong tên em… thì đó không phải là chữ “Nguyệt”.
Mà là chữ “Ánh”.
Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên nghe cô giáo điểm danh: “Lê Ánh Nguyệt.”
Tôi đã phải quay xuống xem ai là chủ nhân của cái tên ấy. Vì nó rất giống tên của chị gái tôi – Ánh Dương.
Chị là thần tượng duy nhất và cũng là người tôi mang ơn suốt đời.
Cún – tôi vẫn gọi chị bằng cái tên thân thuộc đó – từng là học sinh giỏi nhất trường suốt nhiều năm liền, cho đến khi bố tôi phá sản, lao đầu vào cờ bạc, rượu chè, và Cún không còn được đến trường nữa.
Bố tôi uống rượu như uống nước lã.
Đến năm tôi 12 tuổi, ông qua đời vì ung thư gan – một kết cục tất yếu sau những năm tháng nhấn chìm đời mình trong men cay và cờ bạc.
Mẹ tôi gắng gượng được thêm một năm, rồi cũng ra đi đột ngột vì đột quỵ.
Khi ấy, tôi mới vừa chập chững bước vào cấp 2.
Tôi mười ba.
Chị mười lăm.
Hai đứa trẻ đột nhiên thành người lớn trong một đêm tháng Chín.
Từ ngày đó, Cún trở thành chỗ dựa duy nhất còn lại của tôi.
Vừa làm chị, vừa làm mẹ, vừa làm cha.
Một tay chị nuôi tôi ăn học, giặt từng bộ đồng phục, đan từng đôi găng tay len, nấu từng bữa cơm tối bằng đôi bàn tay gầy gò và trái tim cứng cỏi.
Chị là ánh mặt trời của tôi – không ấm áp kiểu dịu dàng, mà là thứ ánh sáng gay gắt giữa mùa đông rét mướt, khiến tôi buộc phải đứng dậy và sống tiếp.
Còn em…
Ngay từ tên gọi, đã giống một vầng sáng khác. Không chói lòa. Không rực rỡ. Nhưng dịu dàng và âm thầm như ánh trăng. Là thứ ánh sáng khiến lòng tôi dịu lại, mỗi lúc tôi yếu lòng, những khi không muốn làm người lớn nữa.
Nếu nói trong đời tôi có hai người con gái mang tên Ánh khiến tôi không bao giờ quên…
Một người là Ánh Dương – soi đường tôi bước, đưa tôi tới đỉnh vinh quang.
Một người là Ánh Nguyệt – người tôi muốn yêu thương và che chở đến hết cả cuộc đời.
Nhưng để yêu một ai đó bằng tất cả trái tim, đôi khi ta buộc phải nhìn lại chính mình – với tất cả những mảnh ghép xấu xí, yếu đuối và đáng xấu hổ nhất.
Tôi đã từng nghĩ mình không xứng đáng. Không đủ sạch sẽ, không đủ bình thường để đứng bên em mà không thấy sợ.
Bởi tôi mang theo một tuổi thơ méo mó và một bóng tối không dễ gì rũ bỏ.
Nó bắt đầu vào một buổi chiều đầu đông, trời nhá nhem và lạnh hơn mọi ngày...
Tôi không về thẳng nhà sau giờ tan học như thường lệ.
Thay vào đó, tôi bước theo sau lưng bố — đôi vai ông hơi run lên dưới chiếc áo khoác cũ sờn rách, mùi rượu quen thuộc phảng phất quanh người.
Tôi ghét phải đi theo ông những lúc như vậy. Ghét cái cách ông van nài, luồn cúi trước những người từng là “anh em” chí cốt.
Nhưng lần này ông bảo:
“Đi với bố. Mặt mày sáng sủa, biết đâu họ nể.”
Tôi im lặng, không phản kháng. Không phải vì tôi tin, mà vì tôi mệt.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -
Chúng tôi dừng lại trước căn nhà lớn nằm trong con ngõ cụt — nơi ở của một người đàn ông từng là đại ca giang hồ ở thị trấn.
Bố tôi dặn tôi đứng yên ngoài sân, rồi bước vào trong.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá trước sân, cố gắng nhìn vào một chỗ khác ngoài cánh cửa gỗ đang khép hờ.
Nhưng rồi… tôi thấy em.
Em đang đứng bên trong, nửa ẩn nửa hiện sau khung cửa gỗ ấy.
Cũng đồng phục trường tôi. Cũng chiếc cặp vải chéo vai, bảng tên lấp lánh ánh bạc.
Ánh mắt em chạm vào tôi – thoáng giật mình.
Tôi vội quay đi, nhưng không kịp.
Cũng ánh nhìn ấy… mà mấy hôm trước tôi còn thấy khi cô giáo điểm danh trong lớp.
Tôi cảm thấy má mình nóng bừng. Không phải vì ngượng, mà vì nhục.
Lần đầu tiên trong đời, tôi ước mình là người khác.
Không phải đứa học trò nghèo kiết xác, phải đi theo bố đến tận nhà chủ nợ.
Không phải đứa con của một gã đàn ông nát rượu, thất bại và đáng thương.
Cũng lần đầu tiên, tôi ước… giá mà em chưa từng nhìn thấy tôi lúc đó.
Sợ em sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt khinh miệt như bao người khác từng nhìn.
Nhưng không.
Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, tôi không thấy sự thương hại. Không thấy sự dè bỉu.
Ánh mắt em lặng lẽ, nhưng ấm. Có một chút gì đó giống như… sự thấu hiểu.
Phải rồi. Có lẽ em cũng đang giấu một điều gì đó. Cũng giống tôi, mang theo một phần cuộc đời không muốn ai biết.
Tôi không nói gì. Em cũng không.
Chúng tôi chỉ đứng im như thế, nhìn nhau trong lặng lẽ.
Tôi không biết ánh nhìn ấy đã bám riết lấy tâm trí mình từ khi nào.
Nhưng kể từ hôm đó, tôi bắt đầu để ý em nhiều hơn.
Dõi theo dáng em qua hành lang lớp học. Lắng nghe giọng em trong những giờ sinh hoạt nhóm.
Và luôn tự hỏi… liệu em có nhớ đến tôi không – thằng nhóc đứng trong sân nhà chủ nợ hôm ấy?
Tôi chưa bao giờ có can đảm lại gần em.
Một phần vì mặc cảm.
Một phần khác… vì tôi từng trải qua một khoảnh khắc tương tự, nhưng kết thúc thì hoàn toàn khác.
Hôm đó, bố tôi đến trường.
Chỉ là ông ấy vừa kiếm được một ít tiền từ sới bạc, đã vội vàng đi mua ngay một đôi giày mới và mang đến trường cho tôi. Ông gọi tôi từ ngoài cổng lớn – giọng khàn khàn vì men rượu đêm qua chưa tan hết, mắt trũng sâu vì thức trắng.
Tôi chạy ra thật nhanh, mong ai cũng bận rộn không ai để ý đến mình. Nhưng khi tôi cúi đầu nhận lấy túi giày, tôi bắt gặp ánh mắt của một người — Nguyệt Nga.
Cô ấy đứng đó, tựa lưng vào lan can, tay cầm cuốn sổ điểm của lớp, ánh nhìn như xuyên thấu qua lớp vỏ ngoài tôi cố dựng lên bao năm.
Khác với Ánh Nguyệt – ánh mắt khiến tôi thấy mình vẫn xứng đáng được tồn tại, dù là trong im lặng.
Còn với Nguyệt Nga… đó là lần đầu tiên tôi hiểu cảm giác bị bóc trần là như thế nào.
Không một lời nào được thốt ra. Nhưng chỉ trong một cái nhìn ngắn ngủi đó, tôi nghe thấy giọng cô ấy vang lên trong đầu mình rõ mồn một:
“Thật không ngờ nha. Hóa ra Quang Minh cũng không hoàn hảo, cũng có thứ không muốn người khác biết...”
Tôi sợ.
Cô ấy không nói ra, nhưng tôi cảm nhận được điều đó từ cái nghiêng nhẹ nơi khóe môi, và cách cô lặng lẽ quay đi sau vài giây ngắn ngủi. Từ khoảnh khắc đó, tôi biết mình đã bước vào một thỏa thuận ngầm mà chẳng cần ký kết: Tôi để Nguyệt Nga vui vẻ. Đổi lại, cô ấy giữ bí mật giúp tôi.
Tôi không biết tại sao mình lại không nói gì lúc đó. Có lẽ vì sợ. Có lẽ vì mặc cảm. Hoặc… có lẽ vì ánh mắt ấy đã khơi lại những ký ức mà tôi luôn muốn vùi sâu.
Sau hôm ấy, tin đồn tôi và Nguyệt Nga thân thiết bắt đầu lan ra. Tôi – lớp trưởng được thầy cô tin tưởng, được bạn bè ngưỡng mộ – và cô ấy – lớp phó học tập lạnh lùng, kín tiếng, sắc sảo đến đáng sợ. Người ta bảo hai cán bộ lớp lúc nào cũng đi cùng nhau, thì thầm trong giờ ra chơi, trao đổi bài trong giờ kiểm tra, ánh mắt có gì đó rất “trên mức bạn học”.
Tôi không phản bác. Mà Nga cũng chẳng buồn đính chính.
Tôi đã từng nghĩ, có lẽ chính cô ấy là người tung ra lời đồn đó. Với Nguyệt Nga, việc được gán tên với một cái tên lớn trong trường có thể là một đòn bẩy tốt cho hình ảnh “nữ sinh gương mẫu, học lực siêu giỏi” mà cô ấy cẩn trọng xây dựng. Mà tôi – một thằng con trai sống trong sợ hãi và mặc cảm – lại im lặng chấp nhận vai diễn ấy, miễn là cái quá khứ tồi tệ của mình được che giấu.
Nhưng có một điều tôi lại nhớ rõ hơn cả…
Là ánh mắt của em – Ánh Nguyệt – khi vô tình nghe được lời xì xào ở cuối lớp. Em cúi đầu thật thấp, giả vờ chép bài, nhưng tôi thấy ngòi bút em dừng lại. Lâu thật lâu. Cả lớp vẫn xì xào, nhưng trong tôi là một khoảng trống lớn vừa sụp xuống.
Em không hỏi gì. Cũng không nhìn tôi nữa.
Lúc đó, tôi đã muốn lên tiếng. Muốn nói với em rằng — tôi không hề chọn ai khác.
Tôi chỉ đang cố giữ cho mình được đứng bên em một cách bình thường nhất có thể…
Nhưng em đâu biết, bình thường là điều xa xỉ nhất đối với tôi.