“Tôi đã từng nghĩ mình rất mạnh mẽ, cho đến khi phải tự mình lớn lên ở một nơi không ai biết tên mình là Ánh Nguyệt.”
Ngày chia tay cấp 2, tôi đã không khóc.
Tôi nghĩ: “Chúng ta rồi sẽ gặp lại thôi mà, đúng không?”
Nhưng đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy cậu ấy — trong bộ đồng phục cũ, tay đút túi, mắt nhìn xa xăm, như thể đang nghĩ đến một điều gì khác.
Chúng tôi bước chân vào lớp 10. Mỗi người một nơi. Tôi học chuyên Anh ở tỉnh, cậu học chuyên Toán tận Hà Nội. Bộ Tứ bàn cuối… chính thức tan rã
Trường mới to. Ký túc xá thì lạnh. Phòng có bốn người nhưng lúc nào tôi cũng thấy như chỉ có một mình.
Tôi nhớ bố mẹ. Nhớ con đường đầy khói bụi nơi tôi lớn lên.
Và tôi nhớ Bộ Tứ bàn cuối. Nhớ cái bàn gỗ cũ kỹ, nơi tụi tôi từng ngồi cười như điên vì một trò đùa ngớ ngẩn nào đó của Tôn Vũ. Nhớ tiếng Thanh Vy cằn nhằn khi bị gọi lên bảng. Nhớ ánh mắt của Quang Minh mỗi lần lơ đãng nhìn ra cửa sổ — và cả những lúc chạm vào mắt tôi, ngập ngừng rồi quay đi.
Tôi đã gửi cho Minh hai bức thư. Cả hai đều không có hồi âm.
Bức đầu kể chuyện trường mới, bức sau kể về ngày đầu tiên tôi bị điểm kém môn Thể Dục. Tôi đợi. Ngày này sang ngày khác. Cứ mỗi lần tiếng giám thị gọi phát thư, tôi lại giật mình ngẩng lên. Nhưng chẳng lần nào là tên mình.
Có một tối, tôi ngồi trên ban công tầng 3, viết tiếp bức thư thứ ba. Trời đổ mưa. Tôi viết đến dòng:
“Tớ nhớ cậu, nhiều hơn tớ từng nghĩ.”
… rồi dừng lại.
Gấp lại. Không gửi.
Vì sợ cậu ấy chẳng bao giờ đọc. Hoặc tệ hơn, đọc rồi… vẫn không trả lời.
Cuộc sống cấp 3 cứ thế trôi. Mỗi ngày là một thử thách. Tôi bắt đầu quen với việc tự mình giặt đồ, tự nấu mì gói khi đói, tự cuộn chăn thật kỹ vào đêm mưa. Tôi học cách nói “không sao đâu” khi điểm kiểm tra thấp, và nói “tớ ổn” khi thấy lòng mình trống rỗng.
Nhưng có một điều tôi không học được:
Cách ngừng nhớ về một người.
Có những buổi chiều tan học, tôi tự hỏi: nếu Minh cũng nhớ tôi, liệu cậu ấy có viết thư mà không gửi, giống như tôi không?
Hay là… cậu ấy đã quên mất tôi từ lâu rồi?
“Hồi đó, chỉ cần một tin nhắn thôi cũng đủ khiến trái tim tôi thắt lại. Nhưng mãi sau này tôi mới biết — có những người, càng gần trong ký ức, lại càng xa trong thực tại…”
Tôi đã quen với những ngày trống rỗng.
Quanh tôi, mọi người dần có bạn mới. Tụi con gái trong phòng bắt đầu thì thầm về những bạn trai ở lớp Toán, lớp Lý. Mỗi tối, cả phòng rôm rả vì ai đó nhận được thư tay hay một lời nhắn vụng về viết bằng mực tím.
Còn tôi, vẫn im lặng như cũ.
Tôi không có ai để viết thư nữa.
Cũng chẳng còn ai để đợi thư về.
Học kỳ hai lớp 10, bố mẹ mua cho tôi một chiếc điện thoại cũ, loại Nokia có bàn phím bấm từng phím một. Mỗi tuần, tôi gọi về nhà một lần. Hết.
Cái điện thoại được cất kỹ trong ngăn tủ, khóa lại. Tôi không muốn bị ai hỏi về danh bạ chỉ có đúng ba số: bố, mẹ… và chính tôi.
Cho đến một ngày.
Buổi chiều tan học về, tôi mở ngăn tủ lấy sách, thì thấy điện thoại sáng lên. Một tin nhắn. Số lạ. Không lưu tên. Nội dung là một bài thơ ngắn — lủng củng, ngớ ngẩn, nhưng… quen quen.
“Em là con gái Yết Kiêu,
Sao lại không trả lời điều anh nói?
Dù là thư, hay là thơ,
Cũng mong một dòng, em thở dài thôi cũng được...”
Tôi bật cười. Rồi ngay lập tức... tim tôi thắt lại.
Ai gửi vậy? Là nhầm số? Hay ai đó trêu chọc? Nhưng… sao lại là “con gái Yết Kiêu”? Người đó biết tôi học ở đây?
Tôi không trả lời.
Nhét điện thoại vào túi, đi thẳng ra sân. Trời hôm đó lạnh hơn mọi hôm, hoặc chỉ là vì tôi đang run.
Hai ngày sau, lại thêm một tin nhắn nữa. Cũng là một bài thơ. Lần này… có cả dấu chấm hỏi ở cuối câu cuối.
“Có người chờ, ở rất lâu phía cuối dòng tin
Một người viết, một người quên đọc
Ai bảo nhớ là yếu đuối
Vậy tại sao em không trả lời?”
Lần này, tôi không bật cười nữa.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -
Tôi đọc lại nhiều lần. Rồi lén lưu số ấy vào danh bạ, dưới cái tên: Unknown.
Chỉ để yên tâm rằng… nếu tin nhắn ấy đến nữa, tôi sẽ biết. Không phải số lạ nữa. Là… người đó.
Tôi đã không kể với ai. Kể cả Thanh Vy.
Một phần vì tôi sợ bị cười: “Thơ tình à? Cấp 3 rồi còn mơ mộng quá ha.”
Một phần vì tôi… thầm mong người đó là cậu.
Nhưng cũng tự mắng mình:
“Ảo tưởng vừa thôi, Nguyệt.”
Tôi đã trả lời tin nhắn.
Chỉ vỏn vẹn một dòng:
“Ai vậy?”
Chờ một lúc, người đó mới nhắn lại:
“Cho em đoán. Ba lượt.”
Tôi chưa từng giỏi đoán bất kỳ điều gì trên đời. Nhưng lần này thì khác.
Lần đầu tiên, tôi viết cái tên mà tôi đã giữ trong lòng suốt từ năm lớp 6:
“Quang Minh.”
Người đó im một chút, rồi hỏi lại:
“Sao lại nghĩ là Quang Minh?”
Tôi nhìn chằm chằm vào màn hình.
Lòng hơi run.
Rồi chậm rãi gõ từng chữ — như thể đang thừa nhận điều gì đó mình cất giấu đã lâu:
“Vì tôi thích cậu ấy.”
Phải rồi.
Đó là lần đầu tiên tôi nói ra điều đó … với một người khác. Không phải viết trong nhật ký, không phải nghĩ thầm trong đầu. Là lần đầu tiên, tôi viết nó ra bằng ngón tay đang run.
Người đó nhắn lại:
“Nhưng tiếc là anh không phải Quang Minh. Đoán thêm 2 cái tên nữa đi.”
Tim tôi hụt một nhịp.
Hóa ra… không phải cậu.
Tôi đặt điện thoại xuống. Trống rỗng.
Một lúc sau, tôi mới nhắn lại:
“Thôi khỏi. Nếu không phải Quang Minh thì ai cũng như nhau.”
Tôi không biết vì sao mình lại nói vậy. Là giận? Là buồn? Hay chỉ đơn giản là… thất vọng?
Một hồi lâu sau, người đó nhắn lại, câu chữ lạ hơn mọi lần:
“Không được xưng tôi. Anh hơn tuổi em. Phải gọi là anh.”
Tôi suýt nữa thì bật cười. Nhưng tôi không nhịn được mà gõ trả lời:
“Cậu nói “hơn” thì là “hơn” hả? Bằng chứng đâu? Có cái tên cũng còn không chịu nói”
Người ấy không đáp lại ngay.
Rồi vài phút sau, một tin nhắn mới đến:
“Không phải ‘anh – em’ thì đổi thành ‘t – u’ cũng được.”
“T – u”?
“Ừ. T là “tôi”, u là “you = em”.
Tôi bật cười khẽ. “T – u?” Nghe kỳ cục thật.
Nhưng chẳng hiểu sao… tôi lại thấy có chút gì đó đặc biệt dịu dàng.