Ánh mắt ấy như muốn khắc ghi hình bóng tôi vào sâu trong tâm trí, phòng khi nếu phải ra đi… thì vẫn có thể mang theo trong ký ức.
Càng tra cứu, lòng tôi càng lạnh. Càng đọc, càng sợ. Càng biết, càng thấy ân hận.
Thuyên tắc ối không chỉ là hiện tượng tắc mạch phổi do nước ối lọt vào mạch máu, mà còn có một loại nghiêm trọng hơn, đó là rối loạn đông m.á.u do nước ối đi vào hệ tuần hoàn.
Tỉ lệ mắc chỉ khoảng 4 trên 100,000 ca, nhưng tỉ lệ tử vong có thể lên đến 80–90%, thậm chí còn cao hơn. Các triệu chứng trong các ca ghi chép được trên mạng đều rất giống tình trạng của vợ tôi hiện giờ. Dù bác sĩ chưa đưa ra chẩn đoán chính thức, nhưng tôi nghĩ, khả năng rất lớn là đúng là như vậy.
Nếu thật sự là thuyên tắc ối thì liệu cô ấy còn có thể sống được sao? Cho dù còn sống, làm sao có thể không để lại di chứng?
Tôi thấy mình không nên quá lạc quan. Trong hoàn cảnh này, chỉ cần còn giữ được mạng sống đã là điều khó tưởng tượng. Nếu còn mơ mộng đến chuyện “không để lại di chứng” thì đúng là quá ngây thơ rồi. Trên mạng đa phần là các ca tử vong. Có một số ca sống sót, nhưng cũng phải nằm mê man nhiều ngày, thậm chí hàng tháng.
Tôi nghiến răng, tự nhủ phải sẵn sàng đối mặt với điều tồi tệ nhất — cùng con và người vợ tàn tật sống hết phần đời còn lại. Chỉ là… tôi thương vợ tôi, không biết cô ấy còn phải chịu đựng đau đớn thêm bao nhiêu năm nữa.
Hồng Trần Vô Định
Nghĩ đến đó, tôi lại thấy xấu hổ vì trước đó từng nghi ngờ các bác sĩ. Có thể đi đến bước này, đến được giây phút này là kết quả của biết bao bác sĩ dốc hết toàn lực, không từ bỏ.
Việc cô ấy còn sống đến lúc này, đã là một kỳ tích.
Đó thật sự là cảnh tượng mà tôi chỉ dám tưởng tượng trong lòng: từng ngón tay từng ngón tay, bác sĩ đã cố gắng gỡ tay tử thần ra khỏi sinh mệnh mong manh kia, đối mặt với nó, bảo vệ vợ tôi từng giây, từng phút, từng bước lùi lại một cách thận trọng, cho đến khi hoàn toàn thoát khỏi Tử Thần, rồi trao cô ấy lại vào tay tôi, để được tiếp tục sống trong yêu thương và bình yên nơi cõi đời này.
Tối hôm đó, có một cô là người chăm trẻ sơ sinh (người làm tháng) đến phỏng vấn. Là người quen của bạn bố tôi giới thiệu. Cô ấy vừa hoàn thành công việc ở một gia đình khác, vừa mới quay về quê thì nghe chuyện nhà tôi, lập tức bắt tàu trở lại.
Sau khi kiểm tra kỹ giấy tờ tùy thân và giấy chứng nhận sức khỏe, tôi để cô ấy cùng bố mẹ tôi về nhà chuẩn bị. Dự định sáng hôm sau sẽ đón bé từ khoa nhi về.
Còn tôi thì chẳng muốn đi đâu cả, chỉ kéo một chiếc ghế nhỏ ngồi ngoài cửa ICU. Vừa nghĩ xem giờ có thể làm được gì, vừa hồi tưởng những khoảnh khắc bên vợ, rồi lại lo lắng về tương lai.
Đến khuya, bố vợ đến thay ca, tôi mới về khách sạn nghỉ. Tôi tự ép bản thân phải đảm bảo ăn uống và ngủ nghỉ, giữ sức khỏe vì chỉ khi thể trạng tốt, tôi mới đủ sức chiến đấu tiếp.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn -
Ngày thứ hai: Buổi sáng, tôi gọi điện đến khoa sơ sinh, định hẹn chiều đến đón con ra viện. Nhưng bác sĩ nói, kết quả xét nghiệm m.á.u của bé có vấn đề, chỉ số C-reactive protein (CRP) cao, có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm, không thể xuất viện ngay, cần phải theo dõi thêm.
Nghe đến đây, trong lòng tôi vang lên một câu: “Họa vô đơn chí.” (Tai họa không bao giờ đến một mình)
Vừa hay tin mẹ còn chưa thoát hiểm, giờ con lại phát hiện có khả năng nhiễm trùng mới sinh ngày thứ hai, không biết sức đề kháng có đủ hay không, cũng không biết bao lâu thì khỏi. Bố mẹ tôi nghe xong cũng cuống lên như lửa cháy đổ thêm dầu. Cả nhà còn chưa thấy con lần nào, giờ lại thêm lo lắng.
Tôi vội chạy đến khoa sơ sinh hỏi thêm. Ấn chuông ngoài cửa chờ rất lâu mới có bác sĩ ra. Vào thì không thể vào, bên trong vang lên tiếng trẻ con khóc không ngớt, chẳng biết có tiếng nào là của con mình không.
Bác sĩ nói tình trạng không nghiêm trọng, các chỉ số chỉ hơi cao, nếu cần có thể dùng chút kháng sinh rồi tiếp tục quan sát. Dặn tôi cứ kiên nhẫn đợi thêm.
Tôi trở lại trước cửa ICU, trong lòng vẫn bồn chồn lo lắng. Cả vợ và con đều xảy ra chuyện, cảm giác như bị vây đánh từ hai phía, không biết xoay xở thế nào.
Tôi chẳng làm gì được cả, chỉ có thể đặt hết hy vọng vào bác sĩ. Thời gian cứ thế trôi qua chậm chạp.
Khi tâm trạng quá rối bời, tôi lại xuống dưới hút thuốc. Từ sân có thể nhìn thấy cửa sổ ICU, đôi khi thấy bóng người đi lại bên trong.
Tôi đếm vị trí giường bệnh của vợ, rồi cứ thế nhìn chằm chằm vào đó. Không biết giờ này cô ấy có đang đau đớn không.
Ngoài trời nắng đẹp, tôi thầm nghĩ: liệu ánh nắng có thể chiếu được đến giường của cô ấy không?
Ba giờ chiều: Lại đến giờ thăm bệnh. Khi tôi gặp lại cô ấy, dường như đã đỡ hơn hôm qua một chút – tình trạng phù nề đã giảm rõ rệt.
Tôi đưa cho cô ấy xem ảnh của con, tấm ảnh được chụp trước khi đưa bé vào khoa sơ sinh. Hôm qua vội quá, chưa kịp đưa cho cô ấy xem.
Cô ấy vừa nhìn xong, lại xúc động mãnh liệt, khóc nức nở không thành tiếng. Mới làm mẹ mà chưa một lần được ôm con, chắc hẳn trong lòng cô ấy nhớ con đến quặn thắt. Chuyện bé chưa được cho ra viện, tôi không dám nói.
Bác sĩ cho biết: cô ấy vẫn còn chảy máu, nhưng lượng m.á.u đã ít hơn nhiều, chỉ số huyết sắc tố tăng nhẹ, dấu hiệu sinh tồn tạm thời ổn định. Các chỉ số chức năng nội tạng vẫn rất xấu. Phần lớn thời gian cô ấy vẫn trong trạng thái mơ màng, nhưng ít nhất là không quá đau đớn.