Tôi khuyên bố mẹ vợ cũng nên đi nghỉ, hoặc thay phiên nhau ngủ một lát, nhưng họ nhất quyết không chịu rời đi. Tôi cũng không dám khuyên nhiều, trong lòng thật ra cũng muốn họ ở lại đây.
Không vì lý do gì khác, chỉ là... nếu chẳng may vợ tôi có biến, thì bố mẹ ruột của cô ấy có thể kịp nhìn con lần cuối.
Tôi nhìn họ, đã ngoài 60, sau một đêm thức trắng, dáng vẻ mệt mỏi hiện rõ. Nhưng lúc này, khi con gái mình còn đang nằm trong ranh giới giữa sống và chết, ai mà có thể yên tâm nghỉ ngơi?
Họ rất kiên cường, từ lúc xảy ra chuyện đến giờ luôn giữ bình tĩnh, không tỏ ra hoảng loạn hay đau buồn quá mức.
Họ liên tục động viên tôi: phải tin tưởng vào bệnh viện, tin tưởng vào bác sĩ, tin tưởng vào sức khỏe của vợ tôi, rằng cô ấy sẽ vượt qua được.
Nhưng trong lòng tôi thì nghĩ: e rằng lần này, tất cả những căn bệnh mà nửa đời người chưa từng mắc phải... có khi đều đổ dồn lại hết một lượt.
Tôi đi mua chút đồ ăn. Họ đều nói không thấy đói, không muốn ăn. Tôi bảo: “Mọi người phải ăn chút gì đó. Chúng ta không thể gục được, cô ấy còn đang đợi chúng ta chăm sóc.”
Bố mẹ vợ hiểu điều đó. Những chuyện phía sau, chắc chắn không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Họ cầm lấy thức ăn, chậm rãi ăn từng miếng nhỏ.
Còn tôi thì đang tự tính toán trong đầu. Người lớn tuổi có thể cầm cự được mấy ngày? Nếu có ai gục ngã thêm nữa, tôi sẽ không xoay xở nổi.
Đến lúc ấy, e rằng bắt buộc phải nhờ đến cả họ hàng thân thích. Dù thế nào, tôi cũng không được gục ngã. Phải điều chỉnh lại tâm lý, phải cố gắng ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ. Phía sau còn rất nhiều việc, phải chuẩn bị cho một trận chiến trường kỳ. Tôi, tuyệt đối không được gục ngã.
Vừa ăn, tôi vừa không ngừng tưởng tượng các tình huống khác nhau trong đầu, cả tốt lẫn xấu, rồi nghĩ cách ứng phó từng trường hợp một.
Ngày đầu tiên – 12 giờ trưa:
Vợ tôi trong ICU đã tỉnh lại. Cô ấy muốn nói gì đó nhưng không thể cất lời. Y tá đưa giấy và bút cho cô. Vợ tôi viết dòng đầu tiên trên tờ giấy:
Câu thứ nhất là: “Em bé ổn không?”
Câu thứ hai là: “Lý Thao đang ở ngoài à?”
Y tá cầm mảnh giấy ra ngoài hỏi tôi muốn trả lời thế nào. Khi nhìn thấy hai dòng chữ ấy, tôi không thể kìm được nữa, bật khóc thành tiếng, nghẹn ngào không nói nên lời.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn -
Tôi nhờ y tá nói với cô ấy: Em bé rất khỏe, mọi thứ đều ổn. Anh vẫn luôn ở ngoài này, ngay gần em thôi. Đến giờ thăm, anh sẽ vào với em.
Hồng Trần Vô Định
Chỉ mấy câu như thế, tôi phải cố gắng lắm mới nói ra được, vì cổ họng nghẹn cứng, không thốt nổi thành lời.
Tôi đã thực sự xúc động bởi tình mẫu tử vĩ đại. Sau khi trải qua biết bao đau đớn, bị tổn thương nặng nề, đi một vòng trước cửa tử thần rồi mới trở lại – câu đầu tiên khi tỉnh dậy, cô ấy vẫn hỏi về con.
Tôi biết, cô ấy vẫn luôn lo lắng việc em bé có bị vấn đề về thận hay không. Dù chúng tôi đã hỏi rất nhiều bác sĩ, ai cũng nói không sao, nhưng trong lòng cô ấy, vẫn chẳng yên được. Có lẽ ngay cả khi một chân đã bước sang thế giới bên kia, cô ấy vẫn còn lo cho con.
Ba tiếng sau: Cuối cùng cũng đến giờ thăm ICU – chỉ có nửa tiếng, mỗi lần chỉ cho một người vào.
Những người nhà đang đợi bên ngoài đã sắp xếp trước thứ tự. Bố mẹ vợ lần lượt vào trước, rồi nhanh chóng ra ngoài, mắt đỏ hoe.
Tới lượt tôi, còn khoảng 10 phút. Tôi vội vàng mặc đồ bảo hộ, mang giày nilon, theo y tá đi vào. ICU được ngăn cách bằng các tấm rèm vải, từng gian nhỏ một, vợ tôi nằm ở phòng thứ tư.
Tôi hồi hộp đến nghẹt thở, không biết cô ấy đã bị giày vò đến mức nào.
Suốt 24 tiếng trước đó, tôi đã vô số lần tưởng tượng rằng mình không còn cơ hội gặp lại cô ấy nữa. Tôi dằn vặt vì đã rời đi để lấy sạc dự phòng, sợ rằng vì vậy mà bỏ lỡ khoảnh khắc cuối cùng giữa chúng tôi.
Giờ đây, khi cuối cùng lại được nhìn thấy cô ấy, tôi đã thấy đủ đầy và biết ơn. Cô ấy vẫn sống, điều đó đã là quan trọng nhất với tôi. Vì vậy, tôi mỉm cười.
Toàn thân cô ấy sưng phù nặng, so với lúc được đẩy vào ICU, gương mặt đã phồng lên mấy phần. Tôi ngồi xuống ghế cạnh giường, cúi đầu định nắm lấy tay cô ấy.
Tay cô ấy cũng sưng to, từng ngón tay như củ cà rốt nhỏ – căng mọng, bóng loáng, chắc cử động cũng khó khăn lắm. Không biết cô đã gắng gượng thế nào để cầm nổi cây bút viết ra những dòng chữ ấy. Tôi nắm tay cô ấy thật nhẹ, không dám dùng lực, sợ làm cô ấy đau.
Cô ấy nhìn thấy tôi, nước mắt lặng lẽ tràn ra từ khóe mắt, chảy qua thái dương, thấm xuống gối. Tôi biết, cô ấy đang tủi thân.
Phải rồi, cô ấy tủi thân lắm chứ. Từ nhỏ đến lớn, cô ấy là đứa con gái duy nhất trong nhà, được cả gia đình yêu thương chiều chuộng. Là hoa khôi hoạt bát của trường, là học bá thành tích nổi bật, là học trò cưng trong mắt thầy cô, là người có sức khỏe tốt đến mức cảm cúm còn hiếm khi mắc phải. Tại sao lại là cô ấy? Cô ấy đâu làm gì sai, sao ông trời lại muốn lấy đi mạng sống của cô ấy, bắt cô ấy phải rời xa đứa con mà còn chưa được gặp mặt một lần?
Miệng cô ấy cắm máy thở, khắp người là dây dẫn và thiết bị theo dõi, vẫn còn đang truyền máu, hoàn toàn không thể cử động. Cô ấy không thể nói, ngay cả tiếng nấc nhỏ khi khóc cũng chỉ là từng đợt phập phồng rất nhẹ nơi lồng ngực.
Cô ấy nhìn tôi chằm chằm, ánh mắt không rời, như thể đây là lần đầu tiên nhìn tôi, cũng như là lần cuối cùng.