Cuộc đời của tôi trước khi tròn ba mươi tuổi cực kì bình thường - lúc nhỏ chỉ biết vùi đầu trong sách vở, trưởng thành rồi thì bộn bề công việc, chật vật mưu sinh. Đến khi tôi hai bảy, hai tám tuổi mới kết hôn, sinh ra Đồng Đồng vào năm ba mươi tuổi.
Năm đó, tôi bị khó sinh, thiếu chút nữa là chịu cảnh một x.á.c hai mạng. Chuyện này khiến chồng tôi rất sợ hãi, cầm tay tôi nói sau này sẽ không bao giờ để tôi phải sinh con nữa, bảo rằng anh chỉ cần mình Đồng Đồng thôi là đủ.
Bởi vì chỉ có một đứa con duy nhất, thế nên tôi và chồng dành hết tất cả mọi sự yêu thương, che chở cho con bé.
Nào ngờ, ban đầu con tôi khoẻ mạnh bao nhiêu, chưa từng bị bệnh vặt nào như cảm cúm ho khan mà đến khi tròn ba tuổi thì bắt đầu bệnh tật liên miên, không ngày nào không dùng đến thuốc, thời gian ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà.
Đến khi con bé sáu tuổi, cơ thể vốn dĩ mũm mĩm phổng phao hiện giờ chỉ còn mỗi da bọc xương.
Những khi con bé quằn quại đau đớn đều sẽ ngẩng đầu lên, rụt rè hỏi tôi rằng:
“Mẹ ơi, khi nào con mới khỏi bệnh ạ?”
Tôi rưng rưng nước mắt an ủi con:
“Sẽ sớm khỏi thôi, chắc chắn sẽ sớm khỏi thôi.”
Tôi và chồng chạy từ Nam ra Bắc để khám bệnh cho Đồng Đồng, tìm đủ mọi cách nhưng kết quả vẫn chẳng mấy lạc quan, thậm chí cơ thể của con bé còn càng ngày càng suy nhược hơn.
Bất đắc dĩ, tôi chỉ có thể đưa con bé đi tìm dì Ba đang tu hành của tôi.
Dì Ba vừa nhìn thấy Đồng Đồng thì lập tức vỗ đùi nói:
“Đứa trẻ này bị người ta hại thành kẻ thế mạng rồi. Đúng là đáng chet, không có lương tâm mà!”
“Nhanh thì nửa năm, chậm thì một, hai năm nữa, con bé sẽ qua đời vì bệnh tật, đến khi đó không còn cách nào cứu vãn nổi đâu.”
Tôi “phịch” một cái, quỳ xuống trước mặt dì Ba, cầu xin dì ấy cứu Đồng Đồng.
Bà ấy vội vàng nâng tôi dậy, nói:
“Loại chuyện táng tận lương tâm này, cho dù con không nhờ thì dì vẫn sẽ giúp! Hơn nữa, dì với mẹ con còn là chị em ruột mà.”
2.
“Con xử lý quần áo của Đồng Đồng khi con bé chưa ba tuổi thế nào?”
Dì Ba đợi tôi bình tĩnh, ổn định tâm trạng xong mới hỏi.
“Con cho người khác một ít, số còn lại thì giặt sạch sẽ rồi đem đi từ thiện, không hề vứt lung tung.”
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn -
Tôi nghẹn ngào trả lời.
“Con cho ai?”
“Con của bạn thân con nhỏ hơn Đồng Đồng một tuổi, vậy nên con đã cho cô ấy mấy bộ. Mẹ chồng của con cũng lấy mấy bộ ra để làm giẻ lau.”
Tôi nghĩ ngợi một chút rồi nói tiếp:
“Chị Trần - bảo mẫu nhà con khen Đồng Đồng, sau đó cũng lấy hai bộ mang về tặng cho họ hàng.”
Lấy quần áo cũ mặc cho trẻ mới sinh là một phong tục ở nơi tôi sống.
Những bộ quần áo cũ này phải là của một đứa trẻ ngoan ngoãn đáng yêu, thông minh khoẻ mạnh. Nghe nói, mặc quần áo cũ đó thì đứa trẻ mới sinh ra sẽ khoẻ mạnh như thế.
Thậm chí có những gia đình vì muốn cho đứa bé có thể khoẻ mạnh, bình an nên đã xin rất nhiều quần áo cũ của con nhà khác, may chúng với nhau tạo thành một bộ “quần áo trăm nhà.” Nghe nói, hiệu quả khi mặc bộ “quần áo trăm nhà” sẽ tốt hơn mặc những bộ quần áo riêng lẻ khác.
Trước đây tôi cũng cho Đồng Đồng mặc quần áo cũ của những đứa trẻ khác, sau khi con bé mặc chật thì lại đem cho.
“Dì Ba, có chuyện gì không ổn sao?”
Tôi bất an hỏi dì.
“Thật ra, điều kiện để làm chuyện này cực kì khắt khe. Đầu tiên, phải biết chính xác ngày sinh tháng đẻ của đứa trẻ, hơn nữa ngày sinh tháng đẻ đó phải thật sự phù hợp thì mới có thể giúp ngăn cản tai hoạ.”
“Thứ hai, khi lấy được quần áo cũ của đứa trẻ, người kia phải mặc nó ít nhất ba tháng, mặc cho đến khi hai mùi cơ thể hoà vào làm một, không thể phân biệt với nhau thì mới thật sự hoàn thành.”
“Thứ ba, cần phải lấy được tóc, móng tay, nước bọt và các vật thừa cả trong lẫn ngoài cơ thể của Đồng Đồng, đốt thành tro rồi uống vào, sau đó mang quần áo cũ của nhà con đem đi đốt, chuyển vận xui sang nhà con. Làm xong toàn bộ quá trình đó mới xem như xong xuôi.”
Tôi nghe như sét đánh ngang tai, đầu óc trống rỗng, cứ thế đứng đờ ra tại chỗ.
Không chỉ biết ngày sinh tháng đẻ của Đồng Đồng mà còn có thể tiếp xúc với con bé, lấy được quần áo, tóc, móng tay, nước bọt của con bé thì chắc chắn phải là người thân cận, thường xuyên đến nhà.
Nhưng mà, ai lại nhẫn tâm đến vậy, nhẫn tâm làm hại một đứa trẻ chứ?
“Con đừng hoảng, ngồi xuống suy nghĩ kỹ xem, ai là người có khả năng lấy được những thứ này nhất?”
Dì Ba nhẹ nhàng vỗ vai tôi, đưa cho tôi một chén nước ấm.
Hai tay tôi run rẩy cầm cái chén, cả người lạnh lẽo, không biết là do sợ hãi hay tức giận.
Người đó hại con gái tôi mất nửa cái mạng, vậy mà tôi lại không biết đối phương là ai, càng không biết con gái mình đã trở thành kẻ thế mạng cho họ từ khi nào!
Ý đồ nham hiểm và âm mưu ác độc đó, khiến cho người ta không rét mà run.