Mùa đông ở miền Nam thường ẩm ướt và lạnh lẽo. Kỳ Đức Trấn là một thị trấn nhỏ thuộc một thành phố không mấy tên tuổi ở miền Nam Trung Quốc, vì gần biển nên cứ đến mùa đông là mưa phùn lại giăng kín lối.
Năm nay không hiểu sao, mưa cứ dai dẳng suốt cả tháng trời.
Ngoài trời, mưa bụi giăng mờ mịt. Cố Ngôn che ô, ngồi trên chiếc xe bò xóc nảy trên con đường đất lầy lội.
Chiều nay, Cố Ngôn nhận được tin bà ngoại ở một thôn cách đó không xa đột ngột qua đời. Chiều tối, cậu anh đến đón anh bằng chiếc xe bò cũ kỹ.
Từng cơn gió lạnh buốt thổi tới, Cố Ngôn vừa lầm bầm chửi rủa trong miệng, vừa kéo chặt chiếc áo khoác, hai hàm răng va vào nhau lập cập.
Con đường đất đỏ vốn đã khó đi, lại thêm mưa, bánh xe cứ trượt dài. Cố Ngôn sợ chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là chiếc xe bò sẽ lật nhào.
Mãi rồi cũng đến được nhà bà ngoại, Cố Ngôn suýt nôn thốc nôn tháo vì xóc. Phải, anh bị say xe, say cả xe bò.
Trời mưa bao giờ cũng bất tiện đủ thứ. Người ta đã dựng sẵn một cái rạp lớn trước sân nhà. Dưới mái rạp, bàn ghế được kê ngay ngắn, họ hàng thân thích, bà con lối xóm, ai đến được đều đã có mặt để giúp đỡ.
Cố Ngôn đã từng trải qua chuyện này nhiều năm về trước, toàn bộ trình tự tang lễ anh đều thuộc nằm lòng. Nên làm gì, làm như thế nào, anh đều biết cả.
Bố mẹ Cố Ngôn đi làm ăn xa, không may gặp tai nạn giao thông trên đường về, mất ngay tại chỗ. Năm đó, anh mới mười bảy tuổi.
Ngày hôm ấy, lại đúng vào ngày anh thi đại học. Tin dữ đột ngột khiến anh thi trượt, lỡ mất cơ hội vào đại học.
Thầy cô, bạn bè khuyên anh ôn thi lại, nhưng anh đã quyết định bỏ học. Năm mười bảy tuổi, anh khoác ba lô lên vai, một mình rời khỏi quê hương, đến những vùng đất xa lạ, bươn chải kiếm sống. Đó là lần đầu tiên anh rời xa quê nhà.
Bước vào trong nhà, Cố Ngôn đã nghe thấy tiếng khóc than ai oán của mấy cô, mấy dì.
Bên cạnh còn có mấy đứa em họ, tuổi còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện, nhưng thấy người lớn khóc, chúng cũng biết là có chuyện buồn, đứa nào đứa nấy cúi gằm mặt, im thin thít.
Sự ra đi của bà ngoại không làm Cố Ngôn quá đau buồn. Từ sau khi mẹ mất, hai bên gia đình cũng không còn qua lại nhiều, tình cảm vì thế mà phai nhạt.
Nhưng nói không buồn thì cũng không đúng, dù sao đó cũng là một người thân đã rời xa anh.
Trên thế gian này, sẽ không bao giờ còn được gặp lại người đó nữa.
Tang lễ ở nông thôn phải mời thầy cúng đến làm lễ, tụng kinh, nhảy múa. Họ khoác lên mình những bộ áo quần kỳ quái, đeo mặt nạ quỷ dữ tợn, nhảy nhót thâu đêm.
Bận rộn đến tận khuya, Cố Ngôn thực sự mệt mỏi rã rời, hai mắt díu cả lại, nhưng vẫn phải cố gắng gượng.
Sáng hôm sau, đến giờ đưa tang.
Trời vẫn mưa không ngớt, không khí ảm đạm càng khiến cho tang lễ vốn đã nặng nề lại càng thêm u buồn.
Đoàn người đưa tang dài cả trăm mét, người khiêng quan tài, người niệm kinh, người gõ mõ, người rải tiền vàng, người đốt pháo, tiếng khóc than vang vọng không dứt. Cứ một lạy, một vái, một tiếng pháo nổ, cho đến khi người đã khuất được an táng dưới lòng đất lạnh.
Từ trên núi trở về thì đã trưa. Cố Ngôn định bụng sẽ về nhà ngay, vì cũng không còn việc gì cần đến anh nữa. Nhưng cậu mợ anh cứ nài nỉ mãi, nói anh đã cất công đến tận đây rồi, thì cứ ở lại chơi vài ngày, tiện thể hàn huyên tâm sự, cho các em út có cơ hội gần gũi anh trai. Chúng nó quý anh lắm đấy.
Cố Ngôn nghĩ thầm, tình cảm gì nữa chứ? Bao nhiêu năm rồi không gặp. Hơn nữa, tuổi tác cách biệt cũng không ít, người ta thường nói ba năm là một thế hệ, bọn họ còn cách nhau đến mấy thế hệ là đằng khác.
Cuối cùng, không nỡ từ chối sự nhiệt tình của cậu mợ, Cố Ngôn đành ở lại.
Ngày hôm sau, Cố Ngôn rảnh rỗi, bèn đi dạo loanh quanh trong thôn. Thực ra thì cũng chẳng có gì để mà dạo, Cố Ngôn cứ thế đi một vòng quanh làng.
Tính ra, từ sau khi mẹ mất, Cố Ngôn đã hơn sáu năm không về lại nơi này.
Sáu năm trôi qua, mọi thứ đã thay đổi quá nhiều. Cảnh vật đổi thay, con người cũng khác.
Người lớn lên, người già đi, có người rời đi, lại có những sinh linh bé nhỏ mới chào đời.
Đi mãi, Cố Ngôn đến bên bờ con sông nhỏ của làng. Nhìn dòng sông, anh chợt nhớ lại những kỷ niệm ngày bé, thường cùng anh em họ hàng ra sông tắm mát, bắt cá, mò cua, hái trộm quả, rồi không ít lần bị người lớn đánh đòn.
Đang mải mê chìm đắm trong dòng hồi ức, Cố Ngôn không hề hay biết rằng, lúc này, có một đôi mắt đen láy đang len lén dõi theo anh.
Một lát sau, từ trong bụi cây ven sông phát ra tiếng xào xạc. Cố Ngôn giật mình, quay về thực tại.
Anh đưa mắt nhìn xung quanh, thì thấy có một người đang trốn trong bụi cây, cách anh không xa.
Nói là trốn, nhưng thực ra chỉ là ngồi xổm xuống, dùng hai cành cây che mặt, còn thân mình thì vẫn lồ lộ ra ngoài, đúng là kiểu "che tai trộm chuông". Cố Ngôn thấy vậy, không nhịn được cười, nhấc chân định bước tới.
"Ai ở đó?"
Người trong bụi cây, có lẽ đang đắc ý vì cho rằng mình đã ẩn nấp rất kỹ, nhưng khi thấy Cố Ngôn tiến lại gần, liền hốt hoảng, miệng lẩm bẩm: "Không thấy, không thấy, không thấy..."
Cố Ngôn đi đến, dừng lại cách người kia vài bước, hỏi lại: "Ai đó?"
Người kia dường như không hề nghe thấy, vẫn lặp đi lặp lại: "Không thấy, không thấy", hai tay vẫn giữ chặt cành cây, che mặt càng kín hơn.
Cố Ngôn cạn lời.
Nhưng anh không bỏ cuộc, hỏi đến lần thứ ba. Câu trả lời vẫn là: "Không thấy, không thấy".
Đến nước này thì anh đã hiểu, người này tám phần là một nhóc ngốc rồi.
Cố Ngôn tiến lại gần hơn, muốn nhìn rõ mặt đối phương, tay khẽ chạm vào vai người đó.
Người đang ngồi xổm như bị ai đó chọc vào, đột ngột đứng bật dậy, quay người bỏ chạy, một chiếc dép lê còn bị văng ra.
Cố Ngôn: "..."
"Cậu nghĩ mình là cô bé Lọ Lem chắc? Người ta đánh rơi giày thủy tinh, còn cậu, đã rơi dép lê, lại còn không phải cả đôi nữa chứ."
Cố Ngôn nhìn chiếc dép lê nằm chỏng chơ trên mặt đất, trong lòng lại một lần nữa cạn lời.
Ngày hôm sau, Cố Ngôn lại lang thang ra bờ sông, không ngờ rằng "bé ngốc" kia vẫn ở đó.
Lần này, bé ngốc không trốn nữa, mà đứng cách anh vài bước, mắt không chớp nhìn chằm chằm vào... chiếc bánh xốp trên tay anh.
Chân bé ngốc vẫn đi đôi dép lê hôm qua bị rơi, chắc là đã quay lại nhặt. Ai ngờ lại đụng mặt Cố Ngôn.
Quần áo vẫn là bộ hôm qua, bẩn không thể tả. Tóc tai bù xù như tổ quạ. Mặt mũi lấm lem bùn đất, tóm lại từ trên xuống dưới, chỗ nào cũng bẩn, chỉ có đôi mắt đen trắng rõ ràng kia là sạch sẽ.
Cố Ngôn chưa từng thấy ai có lòng trắng mắt trắng đến vậy, đồng tử lại đen đến thế. Khi cậu nhìn chằm chằm vào bạn, thoạt nhìn có vẻ đáng sợ, nhưng nhìn kỹ lại thấy trong veo đến lạ, quá đỗi tinh khiết!
Không hiểu vì lý do gì, có lẽ là do quá buồn chán, cũng có thể là do dáng vẻ ngây ngô của người này thật thú vị, khiến Cố Ngôn muốn trêu chọc cậu một chút.
"Lại đây." Cố Ngôn giơ ngón trỏ ngoắc ngoắc về phía đối diện.
Cậu vẫn đứng im, nhưng Cố Ngôn có thể thấy rõ cậu đang nuốt nước bọt. Cố Ngôn khẽ nhếch mép cười, ý muốn trêu đùa càng rõ rệt.
"Muốn ăn không?" Cố Ngôn đưa chiếc bánh xốp về phía trước, "Muốn ăn thì tự lại đây mà lấy."
Bé ngốc không nhúc nhích, mím chặt môi, nuốt nước bọt càng lúc càng nhiều. Rõ ràng là rất thèm ăn, nhưng lại có vẻ do dự, đôi lông mày hơi nhíu lại, trông thật đáng yêu.
Cố Ngôn bẻ một miếng bánh xốp nhỏ, bỏ vào miệng nhai nhóp nhép, ra vẻ dụ dỗ: "Mèn ơi! Bánh xốp này ngon quá đi mất! Vừa thơm lại vừa ngọt!"
Nói xong, anh còn nhắm tịt mắt lại, làm bộ như đang thưởng thức, khoa trương cảm thán: "Ưm ~~~"
Quả nhiên, người đối diện hơi nhún chân, chầm chậm tiến lên một bước nhỏ. Thấy vậy, Cố Ngôn càng ra sức, dùng kỹ năng diễn xuất mà đến trẻ con cũng không tin, ca ngợi chiếc bánh xốp trên tay như một món sơn hào hải vị có một không hai trên đời.
Cuối cùng, bé ngốc không cưỡng lại được sự hấp dẫn của chiếc bánh, rụt rè bước đến trước mặt Cố Ngôn.
Hôm qua không nhìn kỹ, giờ bé ngốc đứng ngay trước mặt, Cố Ngôn mới nhận ra cậu thật sự rất cao. Anh cao khoảng một mét tám lăm, vậy mà cậu còn cao hơn anh một chút, chắc phải đến mét tám bảy.
Cố Ngôn định đưa bánh cho cậu, nhưng hai bàn tay cậu bẩn không thể chịu nổi, trong kẽ móng tay toàn là bùn đất, Cố Ngôn nghi ngờ cậu vừa mới dùng tay không để đào đất.
Cho dù cậu có dám dùng đôi tay đó để bốc ăn, Cố Ngôn cũng không thể nào chấp nhận được. Do dự một lát, anh dứt khoát đưa bánh đến gần miệng cậu, đút cho cậu ăn.
Cậu cũng không từ chối, cứ để mặc Cố Ngôn đút cho ăn, từng miếng nhỏ, từng miếng nhỏ, ngon lành. Cố Ngôn thầm nghĩ, chậc! Cậu nhóc này, ăn uống cũng ra gì phết.
Đến miếng cuối cùng, lưỡi cậu vô tình chạm phải ngón tay Cố Ngôn. Cậu dường như không hề hay biết, lại còn li.ếm môi, rồi khẽ mỉm cười với Cố Ngôn.
Cảm giác ấm áp, mềm mại lướt qua khiến Cố Ngôn ngẩn người. Anh nhìn ngón tay mình, trên đó còn dính nước miếng của cậu. Định bụng sẽ lau vào quần áo cậu, nhưng thấy nó bẩn quá, đành thở dài, lau vào quần áo mình.
Cố Ngôn phủi phủi tay, định quay về.
"Làm việc." Bé ngốc đột nhiên lên tiếng.
"Em biết nói chuyện ư?" Cố Ngôn thực sự ngạc nhiên.
Từ nãy đến giờ, toàn là Cố Ngôn nói. Ngoại trừ tiếng hét thất thanh lúc mới gặp lần đầu, cậu không hề phát ra bất cứ âm thanh nào. Cố Ngôn cứ ngỡ cậu chỉ biết "a a a", là một người câm. Giờ cậu bỗng dưng mở miệng, khiến Cố Ngôn không khỏi giật mình.
"Làm việc, làm việc." Bé ngốc tuy có vóc dáng cao lớn, nhưng giọng nói lại rất nhẹ nhàng, mềm mại.
Làm việc? Làm việc gì? Cố Ngôn khó hiểu.
"Ăn bánh, làm việc."
Lúc này, Cố Ngôn mới hiểu ra. Bé ngốc ăn bánh của anh, nên giờ muốn giúp anh làm việc. Xem ra cũng không ngốc lắm, còn biết có qua có lại mới toại lòng nhau. Cố Ngôn mỉm cười: "Không cần làm việc đâu."
Nhưng bé ngốc lại rất cố chấp: "Làm việc, làm việc
"Đó là bánh tôi cho em, nên không cần phải làm việc để trả ơn, hiểu chưa?"
Cho đến khi Cố Ngôn về đến nhà, cậu vẫn lẽo đẽo theo sau, miệng không ngừng lặp đi lặp lại đòi làm việc.
Về đến nhà, mợ Cố Ngôn thấy cậu, liền cau mày, cầm lấy cây chổi dựng bên cạnh, định đuổi người đi, miệng xua đuổi: "Cái thằng ngốc này, đến đây làm gì? Bẩn hết cả nhà, đi mau, đi mau!"
Bé ngốc thấy cây chổi vung vẩy, tưởng sắp bị đánh, liền sợ hãi nép sau lưng Cố Ngôn.
Cố Ngôn vội vàng can ngăn: "Mợ, đừng đánh, đừng đánh, em ấy đi theo cháu về."
Nghe vậy, mợ có vẻ không vui, nói: "Sao cháu lại dẫn nó về nhà? Mau bảo nó đi đi!"
"Cháu cho em ấy chút đồ ăn, em ấy bảo muốn giúp cháu làm việc, nên mới đi theo về." Cố Ngôn giải thích.
"Cái thằng ngốc này nó hay vậy lắm, cháu cứ kiếm đại cho nó việc gì đó mà làm, làm xong là nó đi ngay ấy mà."
Cố Ngôn không biết sai cậu làm việc gì, cuối cùng đành lấy ra hai đồng, bảo cậu chạy đi mua một gói muối. Cậu trịnh trọng đưa gói muối cho Cố Ngôn, rồi vẻ mặt mãn nguyện rời đi.
"Mợ, đứa trẻ này là thế nào ạ? Trong thôn mình từ khi nào lại có người này?"
"Nó là đứa ngốc sống ở cái nhà hoang ngoài rìa thôn ấy."
Nhà hoang ngoài thôn... Đúng rồi, trước kia khi anh đến đây, cũng thường thấy một nhóc ngốc nghếch lảng vảng trong thôn.
Khi đó, nhóc ngốc được bao nhiêu tuổi nhỉ? Bé xíu, gầy nhom, trông khá là xinh xắn, Cố Ngôn còn tưởng nhầm là con gái.
"Sinh ra đầu óc đã không bình thường rồi, y hệt mẹ nó." Mợ Cố Ngôn nói, rồi tặc lưỡi mấy tiếng.
"Vậy còn người nhà của em ấy đâu?"
"Còn mỗi bà mẹ, nhưng mấy năm trước cũng qua đời rồi."
Nghe xong, Cố Ngôn không giấu được vẻ xót xa. Một đứa trẻ bị ngốc, lại phải tự mình bươn chải kiếm sống, chắc hẳn đã phải chịu không ít khổ cực?
Thấy vẻ mặt của Cố Ngôn, mợ bĩu môi: "Cháu lại đi thương hại nó à? Người khổ còn đầy ra đấy, cháu không thương, lại đi thương một thằng ngốc."
Cố Ngôn không nói gì.
Sáng hôm sau, cậu của Cố Ngôn lại lái xe bò đưa Cố Ngôn về.
Xe bò xóc nảy trên đường, trong lúc mơ màng, Cố Ngôn như nghe thấy tiếng bước chân người chạy. Ngoảnh đầu nhìn lại, thì ra là bé ngốc đang đuổi theo.
"Làm việc, còn bánh không?" Bé ngốc vừa chạy vừa thở hổn hển, có chút ngượng ngùng hỏi.
Trước kia, cậu thường giúp người ta đốn củi, vác củi, gánh nước, cuốc đất, người ta sẽ cho cậu cơm thừa canh cặn, nhưng cũng có người, sau khi cậu làm xong việc, không những không cho cậu ăn, mà còn đánh đập cậu.
Nhưng người đàn ông đẹp trai này không những cho cậu ăn, mà còn không bắt cậu phải làm những việc nặng nhọc. Hơn nữa... bánh xốp ngon hơn hẳn mấy thứ cơm thừa canh cặn kia, cậu chưa từng được ăn món gì ngon đến thế.
Làm việc thì chưa chắc đã có ăn, nhưng không làm việc thì chắc chắn là không có gì để ăn. Vì thế, cậu muốn hỏi xem, nếu cậu lại làm việc, thì có được cho bánh nữa không.
Nhưng đồ ăn ngon như vậy, người ta đã cho một lần là tốt lắm rồi, đằng này cậu lại còn mặt dày đến hỏi xin lần thứ hai. Cậu cảm thấy mình thật là tham lam, hỏi xong, mặt cậu đỏ bừng lên vì xấu hổ.
Cố Ngôn không ngờ cậu lại đuổi theo, nghe xong câu hỏi của cậu, anh dở khóc dở cười: "Không có bánh xốp."
Cậu của Cố Ngôn trừng mắt nhìn nhóc ngốc, quay sang nói với Cố Ngôn: "Đừng có mà để ý đến nó, chỉ là một thằng ngốc thôi mà."
Lục lọi trong túi quần một hồi, Cố Ngôn lấy ra một nắm kẹo. Lúc rời khỏi nhà mợ, em họ anh đã dúi cho anh cả một túi kẹo.
Kẹo cứng, loại rẻ tiền, ăn không ngon lắm. Nhưng trên người anh cũng chẳng có gì khác để cho. Anh đưa kẹo cho cậu, nói: "Chỉ có cái này thôi, cầm lấy." Rồi anh vẫy vẫy tay với cậu: "Về đi!"
Nhưng Cố Ngôn đã quên mất, đối với bé ngốc này, nhận ơn thì phải trả ơn.
Cho nên, bé ngốc vẫn cứ bám riết lấy anh, có đuổi cũng không chịu đi.
Cậu của Cố Ngôn nói: "Đã bảo cháu đừng có quan tâm đến cái thằng ngốc này mà, cháu còn cho nó ăn, giờ thì nó ăn vạ cháu đấy."
"Tôi phải về nhà, em đi theo làm gì? Về đi, đừng có theo nữa."
Bé ngốc chầm chậm bước chân, không đuổi theo nữa, đứng lại nhìn theo chiếc xe bò đang dần đi xa.
Cố Ngôn nhắm mắt lại, không để ý đến nữa.
Một lát sau, khi mở mắt ra, anh phát hiện phía sau xe bò vẫn thấp thoáng một bóng người, lén lút đi theo, không phải bé ngốc thì còn ai vào đây nữa. Cố Ngôn nheo mắt, day day thái dương, đau đầu không thôi.
Anh bảo cậu mình dừng xe, Cố Ngôn gọi với về phía xa: "Lại đây!"
Bé ngốc nghe thấy Cố Ngôn gọi mình, vội vàng chạy theo.
"Bé ngốc này, sao mà lì lợm thế không biết!" Cố Ngôn nhường ra một chỗ, "Lên xe đi."
Cậu nhanh nhẹn nhảy lên xe bò, ngồi xuống cạnh Cố Ngôn. Cậu của anh thấy vậy, liền nói: "Trời đất! Sao lại còn cho nó lên xe nữa?"
"Không sao đâu cậu, em ấy thích đi theo thì cứ để em ấy theo."