Thấy thái độ của Hoàng Bỉnh Tuyền kỳ lạ, Lục Li hỏi ngay: "Người phụ nữ kia khoảng năm mươi tuổi, giọng Nam Xương. Chị ta nói muốn tìm chú ba gì đó, tôi không nghe rõ chị ta nói gì nên chị ta thất vọng bỏ đi. Chị ta không phải cháu của ông hả? Nếu chị ta tới tìm người thân mà cuối cùng lại bỏ đi như vậy không hay cho lắm. Có điều chị ta có để lại số điện thoại, ở đây." Nói rồi, Lục Li lấy một tờ giấy trong túi ra đưa cho ông ta.
Hoàng Bỉnh Tuyền có vẻ không muốn nhận. Lục Li thấy thế lại nói: "Chị ta còn bảo muốn tìm em trai!"
Nghe tới đây, Hoàng Bỉnh Tuyền sợ hãi đến mức tay run rẩy, vừa nhận lấy tờ giấy liền làm rơi xuống đất, mặt mũi trắng bệch. Bà cụ nằm trong phòng kêu ê a, còn muốn ngồi dậy, tay liên tục quơ quào.
Hoàng Bỉnh Tuyền vội chạy vào trong đỡ bà cụ nằm xuống, an ủi: "Bà đừng sợ, thằng khốn đó không về đâu." An ủi một lúc lâu, ông ta mới trở ra, còn đóng cửa lại.
"Ông cụ, nghe qua thì hình như hai người còn đứa con trai đúng không?" Lục Li hỏi.
Bác gái dẫn đường thấy tình hình có hơi lạ, bà là người ở đây, biết rõ tình hình của các hộ gia đình, sao lại không biết nhà họ Hoàng còn một đứa con trai nữa? Huống hồ trên hộ khẩu cũng không có điền tên.
Hoàng Bỉnh Tuyền do dự một lúc mới gật đầu: "Nhắc đến việc này thì đúng là một lời khó nói hết. Nó là con nuôi chúng tôi, chúng tôi bế nó từ nhà người thân phương xa nên tính ra cũng có chút huyết mạch. Quê tôi ở Nam Xương, chúng tôi nhận nuôi nó từ ở đó. Lúc đầu vợ chồng tôi vui lắm, bao nhiêu năm không có con, cuối cùng cũng có con trai rồi. Thằng bé kia mắt to tròn, trông có vẻ rất thông minh. Vợ chồng chúng tôi là công nhân xưởng thép, nuôi thêm đứa con hoàn toàn không thành vấn đề. Ba năm sau, vợ tôi thế mà có thai, chúng tôi vô cùng biết ơn đứa bé ấy, nếu không có nó, chắc chúng tôi đã không có con ruột của chính mình. Nhưng có một việc khiến chúng tôi đau đầu là không thể giải quyết vấn đề hộ khẩu cho Hoàng Văn Thành. Chúng tôi nhận con nuôi thì phải làm đống thủ tục, hơn nữa trên sổ hộ khẩu còn viết rõ là con nuôi. Chúng tôi thì muốn coi nói như con ruột, viết trên sổ hộ khẩu như vậy sợ là ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, nhưng theo quy định thì viết là con ruột lại không đúng. Chuyện hộ khẩu cứ thế bị kéo dài, cho đến khi sinh thằng hai thì vấn đề của thằng lớn càng không thể giải quyết. Vợ chồng chúng tôi là công nhân, theo quy định không thể sinh hai con, nên vẫn cứ tiếp tục đợi. Ai ngờ vấn đề hộ khẩu trở thành gút mắt trong lòng đứa bé kia. Đến lúc đi học, thấy bạn bè khi nhập học đều mang theo sổ hộ khẩu, nó bắt đầu hỏi thăm. Đến lớp năm, không biết bạn bè nói gì, nó khăng khăng không chịu đi học. Đó là lần đầu tiên tôi đánh nó, còn đánh có hơi mạnh tay. Tối ấy nó bỏ nhà đi bụi, nhà chúng tôi phải báo công an mới tìm được nó ở công viên. Nó kết bạn với mấy tên lang thang, ban ngày đi xin tiền, buổi tối ngủ ngoài công viên. Sau khi tìm nó về, tôi nói chuyện đàng hoàng với nó. Tôi nói cho nó biết thân thế của nó, còn nói với nó vợ chồng tôi có hai đứa con trai, nhất định sẽ đối xử công bằng, còn về vấn đề hộ khẩu tôi sẽ nhờ người giải quyết sớm. Cả buổi nói chuyện, nó im lặng không nói câu nào. Từ sau hôm đó, ban ngày nó giả vờ đi học nhưng thực chất là lang thang khắp nơi, đến tối thì về. Tôi thấy nó không muốn đi học, nhưng nó khi ấy chỉ mới học tiểu học, chưa có tay nghề, ai mà thuê làm công, thế nên chỉ có thể để nó ở trường thêm mấy năm rồi tính. Cứ thế cho đến năm lớp bảy, nhà trường mời phụ huynh, nói nó đánh nhau, yêu đương, phá phách trong trường, đề nghị đuổi họ. Tôi đưa nó về, kiên nhẫn nói chuyện với nó, hỏi nó thích gì. Nó bảo thích học cắt tóc, tôi liền bỏ ra 10.000 tệ cho nó đi học làm tóc. Nhưng mới có một tháng, nó lại chứng nào tật nấy. Nó hút thuốc, uống rượu, đánh nhau, chuyện gì cũng làm. Tiền sinh hoạt mỗi tháng 1000 tệ không đủ, còn lén cắt bớt tiền học phí. Họ chưa đến một năm, chi phí tốn cho nó đã gần 30.000 tệ. Quan trọng là nó chẳng học được gì cả. Bảo nó cắt tóc cho vợ chồng chúng tôi, còn không bằng tôi cầm tông đơ tự làm! Nó ở ngoài xã hội giao lưu với lưu manh, mấy ngày không về nhà là chuyện bình thường. Tôi bó tay với nó, nói thì vô dụng, mà nói nhiều thì bị nó ghét, bảo chúng tôi không công bằng. Nhà người anh em của tôi nghèo rớt mồng tơi, làm gì có nhiều tiền cho nó như vậy? Từ nhỏ đến lớn, nó với em trai cái gì cũng có như nhau, thậm chí tiền được cho còn nhiều hơn em trai, nhưng nó không hề biết ơn. Đến lúc này tôi hoàn toàn hết hy vọng về nó. Tôi thậm chí mong cảnh sát bắt nó lại, giáo dục nó, để nó biết quay đầu. Khi ấy tôi sẽ không bỏ mặc nó nữa, mà còn nghĩ cách cho nó cưới vợ. Hơn hai mươi năm trước, hai vợ chồng chúng tôi lần lượt nghỉ việc, công ty có bồi thường chút tiền. Tên khốn kia thế mà trộm hết đi, mấy tháng sau nó trở về thì một xu cũng không còn nữa. Vợ tôi giận đến mức lên cơn đột quỵ, từ đó liệt nửa người. Thêm năm ngoái bà ấy bị té ngã nên giờ thành ra thế này. Chỉ cần nghe ai nhắc đến Hoàng Văn Thành là bà ấy lại kích động."
"Thời đó mấy vạn tệ là cả gia tài, ông bà phát hiện tiền mất sao không báo cảnh sát?" Lục Li cho rằng tính cách Hoàng Văn Thành phát triển thành ra như vậy lỗi một phần là do cách giáo dục của họ.
Hoàng Bỉnh Tuyền thở dài: "Khi ấy nó tròn mười tám rồi, biết nó trộm tiền còn báo cảnh sát, thế chẳng phải đẩy nó vào hố lửa sao?" Ngoài miệng ông nói hận Hoàng Văn Thành đến ngứa răng nhưng dù sao cũng là đứa con mình nuôi lớn, vẫn còn tình cảm.
Người đáng thương chắc chắn có chỗ đáng giận, sự dung túng của ông ta đã khiến Hoàng Văn Thành sai càng thêm sai.
"Chúng tôi định dùng số tiền đó làm ăn buôn bán nhỏ, cuối cùng mất hết, vợ tôi lại cần tiền thuốc men, tôi chỉ đành đi làm công, may mà vẫn đủ để nuôi sống cả nhà. Thằng khốn kia cứ vài ba ngày lại về nhà đòi tiền, không cho là nó mắng chửi chúng tôi chèn ép con nuôi. Nó mà về là vợ tôi lại bệnh. Có lần nó uống say, ép chúng tôi mua xe. Chúng tôi lấy đâu ra tiền? Thế là nó xuống bếp lấy dao, đòi giết ba người gia đình chúng tôi. Con út của chúng tôi giật dao lại, suýt bị cắt mất ngón tay. Thằng khốn kia nổi điên đập đồ khắp nhà, còn bảo chúng tôi cứ chờ đó rồi bỏ đi. Sau khi nó đi, chỗ chúng tôi quy hoạch phá bỏ, tôi với vợ thương lượng, cuối cùng quyết định lấy tiền không cần bồi thường tái định cư, nhân lúc nó không ở nhà cả gia đình chuyển đi nơi khác, để nó không tìm được. Chúng tôi lo lắng tận ba tháng, không thấy nó về. Chờ lấy được tiền, chúng tôi lập tức mua nhà chỗ khác thật xa, thay đổi mọi phương thức liên lạc. Cứ thế, chúng tôi bình yên được mười mấy năm. Mãi đến năm năm trước, thằng con của tôi gặp nó trên phố. Hình như nó ở cùng với băng nhóm nào đó. Nó cũng thấy con trai tôi, thế là đuổi theo con trai tôi vào ngõ nhỏ rồi đánh một trận, còn lấy dao ra móc mắt con trai tôi. Người bên cạnh thấy vậy còn nói chi bằng đưa con trai tôi đi lấy thận. Con trai tôi sợ quá, may mà đúng lúc có xe cảnh sát tuần tra đi ngang, bọn chúng mới bỏ chạy. Nghe con trai kể lại cả quá trình, tôi cũng sợ tên khốn kia đến nhà tìm. Nhưng qua một thời gian không xảy ra chuyện gì, gia đình chúng tôi mới yên tâm. Khi nãy nghe nói có người hỏi thăm chúng tôi, tôi lại sợ."
Lục Li nắm bắt được manh mối quan trọng, vội bảo Hoàng Bỉnh Tuyền gọi con trai của mình về.
Anh ta kể lại toàn bộ sự việc về Hoàng Văn Thành, nhất là tình hình đám người đi chung. Hoàng Bỉnh Tuyền càng nghe càng thấy không đúng, bắt đầu nghi ngờ thân phận của Lục Li.
"Mọi người đừng sợ, tôi là đội trưởng đội hình sự thành phố, tôi đến để tìm hiểu về Hoàng Văn Thành." Lục Li không che giấu thân phận nữa.
Nghe vậy, Hoàng Bỉnh Tuyền vội nói: "Đồng chí cảnh sát, cậu nhất định phải bảo vệ con trai tôi. Thằng khốn kia nói giết người không phải đùa đâu!"
"Có bắt được Hoàng Văn Thành hay không phải xem mọi người có thể cung cấp bao nhiêu manh mối. Lát nữa mời anh theo tôi về, giúp chúng tôi phác họa chân dung." Lục Li đưa đứa con thứ hai của Hoàng Bỉnh Tuyền về đội hình sự, bảo Cố Thành dùng máy tính phác họa chân dung.
Khuôn mặt của Hoàng Văn Thành giống Hoàng Văn Chương như đúc, Lục Li tìm thấy ảnh chụp ở nhà họ Hoàng. Còn những tên lưu manh đi cùng hắn, con trai thứ hai của Hoàng Bỉnh Tuyền nhớ trong đó có một người có giọng vịt đực.
Theo trí nhớ của anh ta, người đàn ông kia cao khoảng 175cm, mặt chữ điền, mắt to, môi dày. Sau khi phác họa chân dung, con trai của Hoàng Bỉnh Tuyền xác nhận chính là hắn.
Lục Li lập tức đưa ảnh của hắn và Hoàng Văn Thành đến tiệm sửa xe Quy Tiến Sĩ, nhân viên ở đó xác nhận đã gặp hai người này. Có điều họ không phải hội viên ở đây, lần trước đến chỉ để thay nhớt, vả lại họ chỉ ghé một lần. Lục Li để ảnh chụp ở lại, bảo nhân viên nếu họ quay lại thì cố kéo dài thời gian, đồng thời báo cảnh sát.
Ngoài ra Lục Li còn nhờ các bộ phận khác hỗ trợ, để không rút dây động rừng, anh không xin lệnh truy nã. Tại các trạm xe và cửa ra vào đường cao tốc đều nhận được thông báo hỗ trợ điều tra và ảnh chụp của hai người này.