Có lẽ… tôi thật sự không có số làm nghiên cứu sinh.
Tôi đến tiệm net để sửa CV, vừa chuẩn bị đi in thì email bật thông báo mới.
Là thầy gửi đến.
“Thầy vừa đọc bài luận em đăng. Em ôn tập cho tốt, hy vọng có thể gặp em trong vòng phỏng vấn.”
Tôi còn chưa kịp trả lời thư, thì điện thoại lại reo.
Có người muốn đặt quảng cáo trên tài khoản công khai của tôi, giá ba nghìn tệ.
Tôi ôm điện thoại, vừa khóc vừa cười.
Đầu dây bên kia hoảng sợ:
“Chúng tôi ra giá thấp quá à?”
Tôi cầm tệp CV mới in, trốn ra sau tiệm photo, gục đầu khóc như mưa.
Là một chút ánh sáng sau cơn hoạn nạn.
Là cây cầu nhỏ trong khu rừng tối.
Là mầm hy vọng xanh non mọc lên từ tận cùng của sự tuyệt vọng.
Ông trời… vẫn còn thương tôi.
Từng chút từng chút, lại có thêm người tìm tôi đặt quảng cáo.
Vì thời gian ôn thi quá gấp rút, tôi đành từ chối phần lớn.
Thi xong, tôi về quê ăn Tết.
Anh trai định ngày 12 tháng Giêng sẽ đính hôn. Cô gái là người huyện bên.
Nhà gái yêu cầu sính lễ tám vạn tám.
Tôi đưa ra ba nghìn tệ.
Tối 30 Tết, cả nhà quây quần ăn cơm, không khí coi như hòa thuận.
Trong bữa cơm, bố mẹ rót rượu mời tôi:
“Uống chút đi con, Tết mà.”
Tôi uống ít rượu nếp rồi đi ngủ sớm.
Nửa đêm bị cơn buồn tiểu đánh thức.
Ánh trăng lờ mờ chiếu vào, tôi thấy bố mẹ đang lục túi xách của tôi.
“Con bé này cất thẻ ngân hàng ở đâu vậy?”
“Nó đi thực tập mấy tháng rồi, làm sao chỉ có ba nghìn chứ.”
Đêm mùa đông, ánh trăng lạnh lẽo đến mức khiến người ta run rẩy.
Lạnh y như lòng tôi lúc đó.
Tôi ngồi bật dậy, nhìn họ, lạnh lùng từng chữ:
“Con thật sự không còn tiền. Con không hề đi thực tập. Con vẫn luôn ôn thi cao học!”
Tết năm đó… loạn hết cả lên.
Tôi trở thành “tội nhân thiên cổ” trong miệng bố mẹ.
Họ chạy đôn chạy đáo vay tiền lo đính hôn cho anh trai.
Các bạn đoán xem, cuối cùng họ xoay được tiền bằng cách nào?
Bằng cách bóp lấy em gái tôi.
Lúc đó em tôi đang quen một người bạn trai — là bạn học cũ từ hồi cấp hai.
Bố mẹ tôi tìm đến nhà trai, lấy trước… tiền sính lễ của em gái.
Lúc đó tôi tức đến suýt phát nổ.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn -
Bố mẹ làm như vậy, sau này em gái sao có thể ngẩng đầu sống ở nhà chồng?
Em ấy cũng buồn một thời gian, nhưng rất nhanh lại tự an ủi mình:
“Dù gì em với A Quảng cũng sắp cưới nhau rồi, bố mẹ ảnh cũng đâu nói gì.”
Ngốc quá.
Em còn chưa bước chân vào cửa, họ sao có thể nói thẳng ra sự bất mãn?
Đến ngày anh trai đính hôn, bố mẹ hớn hở ra mặt, chuẩn bị đâu vào đấy.
Theo lệ, bọn trẻ phía nhà gái đến chỉ cần lì xì 200 là đủ.
Bố mẹ tôi lì xì 500.
Các chú bác bên nhà gái, mỗi nhà cho 500 là xong.
Bố mẹ tôi cho 800.
Người ta đính hôn, chỉ cần hút thuốc bình dân là được —
Nhưng bố mẹ tôi nhất định phải dùng thuốc “Trung Hoa”.
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
Tiền… cứ thế tiêu đi không ít.
Tôi không hiểu nổi.
Tại sao lại phải “vung tay quá trán” như vậy?
Tôi lên tiếng phản đối, mẹ tôi mắng tôi té tát:
“Im miệng! Mày thì biết gì! Đây là chuyện đại sự của anh mày, có phải mày bỏ tiền ra đâu mà lên tiếng!”
Có lẽ, càng nghèo thì người ta lại càng sợ bị coi thường, nên mới cố ra vẻ bề ngoài — như thể thế là có thể “ngẩng đầu làm người”.
Nhưng tôi nghĩ, cái làm nên nền móng một gia đình phải là sự chăm chỉ, cố gắng, lạc quan và tin tưởng, chứ không phải là vài thứ hào nhoáng rởm đời bề ngoài.
Chiều hôm đó, khách khứa về hết.
Nhà cửa bừa bộn ngổn ngang.
Cũng đúng hôm đó, là ngày công bố kết quả thi cao học.
Tôi và em gái cùng nhau dọn dẹp.
Em ngẩng đầu hỏi:
“Chị ơi… chị đậu nghiên cứu sinh rồi à?”
Tôi đã biết điểm từ sớm, thầm vui suốt mấy tiếng, đến giờ tâm trạng cũng đã bình ổn lại.
Tôi nói khẽ:
“Dựa theo mức điểm chuẩn các năm, chắc là chị đã qua vòng sơ tuyển rồi.”
Em gái cười tươi:
“Chị giỏi thật đấy! Nhà mình sắp có nghiên cứu sinh rồi…”
Còn chưa nói hết câu, mẹ đã quát lên:
“Mày im miệng!”
Tôi ngẩng đầu lên, thấy chị dâu tương lai đang đứng ở cửa, nụ cười trên mặt gượng gạo vô cùng:
“Yến Tử còn định học tiếp à? Vậy phải học mấy năm nữa? Tốn tiền lắm đấy nhỉ?”
Mẹ lập tức căng thẳng, vội vàng xua tay lia lịa:
“Cái đó… là nó tự lo. Nhà mình, cả anh nó cũng không bỏ ra đồng nào đâu.”
Mẹ còn không ngừng liếc mắt ra hiệu cho tôi.
Tôi chỉ cười nhạt:
“Học cao học không mất học phí, còn có trợ cấp nữa. Không cần cả nhà lo đâu.”
Chị dâu tương lai cười như không cười:
“Thế thì cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, cùng lắm đủ nuôi thân thôi.”
Em gái tôi tính cách thẳng thắn, liền nói:
“Vậy thì cũng tốt mà. Tự lo được cho mình là giỏi rồi! Được học mà còn có tiền nữa, quá tuyệt còn gì!”