Tương truyền, Thất Dương tông vốn là một tông phái rất cổ xưa, được sáng lập bởi một người có ngoại hiệu là Thất Tinh Tử, tồn tại từ thuở Thiên Ma chiến còn chưa diễn ra.
Đến nay, đã không còn ai biết rõ về Thất Tinh Tử, chỉ nghe kể rằng sau trận chiến thiên cổ khiến chân giới gần như bị cắt làm đôi ấy, người này cũng hoàn toàn biến mất.
Tuy nhiên, Thất Dương tông thì vẫn sừng sững ở đó và tiếp tục phát triển. Trải hàng vạn năm, qua ba mươi đời tông chủ khác nhau, đây luôn là một thế lực cực kỳ hùng mạnh trong chân giới.
Dù rất khó kiểm chứng, nhưng Thất Dương tông khi đó tựa hồ có thể sánh ngang U Linh cốc mới nổi lên mấy ngàn năm nay, chỉ kém một bậc so với Thiên Linh điện của Thiên Linh đế, hay Huyết môn của Ma đế trong truyền thuyết.
Tông chủ đời thứ ba mươi mốt của Thất Dương tông, họ Sử tên Đại Sinh, là một người trí dũng song toàn, sau khi tiếp quản chức vị, chẳng những duy trì được truyền thống của những bậc tiền nhân, mà còn dẫn dắt Thất Dương tông bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất từ trước đến nay.
Thuở ấy, Thất Dương tông có một nữ tử nhan sắc xinh đẹp, đặc biệt là đôi mắt sáng trong như sao trời, thường được gọi là Vệ Tinh Nhãn Cơ, nhưng tên thật của nàng thì lại không hay cho lắm, cụ thể là Vệ Xú.
Nàng Vệ Xú vốn là thanh mai trúc mã với Sử Đại Sinh, đã có đính ước với nhau từ trước, nhưng vì có lệ là người kế thừa chức tông chủ hay chưởng tọa các chủ phong không lập gia thất sớm, nàng đành cứ thế sống một mình đến mấy trăm năm.
May thay, Vệ Xú là một người có đức hạnh, tư chất lại không tệ, tu vi đủ cao, tuổi thọ đủ nhiều để chờ đợi việc này, mà Sử Đại Sinh thì là một nam nhân chung tình, nên rốt cuộc hai người cũng được kết thành phu phụ.
Xuất giá vài năm thì Vệ Xú có mang, nhưng trong lúc tu luyện không cẩn thận lại bị sẩy mất. Sử tông chủ lẫn phu nhân đều đau lòng khôn xiết, phải đến năm mươi năm sau, hai người mới quyết định sinh con lần nữa.
Lần này, mọi chuyện diễn ra tương đối thuận lợi, Vệ Xú sinh được một bé trai khỏe mạnh, mừng rỡ đến rơi lệ. Sử tông chủ vào thăm phu nhân xong thì vui vẻ bế con lên xem, nhưng thấy đứa bé mắt như cú vọ, miệng như linh cẩu, tiếng khóc như sói tru, trong lòng y bỗng lo lắng không yên.
Đêm hôm ấy, Sử Đại Sinh lập đàn tế cáo thiên địa, tổ tông, báo về việc mới sinh con trai, đặt tên là Sử Toán Anh, cầu cho đứa bé lớn lên được bình an, không cần tài giỏi, chỉ cần biết hướng về điều thiện, tránh xa điều ác.
Nhưng nhang vừa thắp lên chưa bao lâu, bỗng có một cơn gió mạnh thổi đổ hết cả bàn ghế, trên trời không mây mà vầng trăng mờ tối, phía bắc lại có sao Kình Dương sa xuống đỉnh núi, toàn là những điềm xui rủi không may.
Bởi vì những điều đó, khi Sử Toán Anh đã đến tuổi đi học, Sử Đại Sinh không dám giao con trai cho các vị trưởng lão khác, cố gắng sắp xếp thời gian rồi tự mình dạy dỗ đứa bé.
Sử tông chủ cẩn thận từng ly từng tí một, hễ Sử Toán Anh có gì sai sót là lập tức sửa đổi ngay, kiên nhẫn dùng lời lẽ khuyên bảo, lúc cần thiết cũng tỏ ra vô cùng nghiêm khắc, tổn hao không ít tâm huyết vào việc này.
Tuy nhiên, bởi vì Vệ Xú từng từng mất con một lần, cho nên Sử Toán Anh rất được nàng cưng chiều, muốn gì được nấy, tính tình dần trở nên ngang ngược càn rỡ, càng lớn càng không muốn nghe những lời phiền phức của cha mình, thậm chí còn cố ý làm trái với những gì đã được dạy bảo.
Có một lần, vào năm bảy tuổi, Sử Toán Anh đang dạo chơi trong rừng thì bắt được một con thỏ có bộ lông trắng muốt như tuyết, mềm mịn như bông, trông rất đáng yêu.
Hắn nắm tai con thỏ lên, nghịch ngợm một lúc thì thấy chán. Bấy giờ, hắn chợt nghĩ ra một trò mới, đó là buộc con thỏ vào tảng đá, bẻ hai cái răng của nó, lại móc mắt nó đi, vừa nghe con thỏ kêu chí chóe vừa cười rộ lên đầy thích thú.
Nhưng vẫn chưa hết, hắn lại lấy dao cắt từng cái chân của con thỏ, ban đầu còn chém xuống một cách dứt khoát, sau đó thì làm một cách thật chậm rãi, cốt sao cho đau đớn nhất có thể.
Con thỏ không ngừng giãy giụa, dòng máu đỏ tươi ướt sũng bộ lông trắng, trông cực kỳ tội nghiệp. Chỉ là càng như thế, Sử Toán Anh càng khoái chí, lại lấy mũi dao khoét sâu vào các tủy xương vừa cắt mở.
Con thỏ bị hành hạ một lúc lâu nhưng vẫn chưa chết, có điều vì quá mệt nên không kêu la được nữa. Thấy vậy, Sử Toán Anh nhét vào miệng nó một chiếc còi nhỏ, bắt đầu thiêu rụi hết lông trên người con vật tội nghiệp.
Mùi khét bốc lên nồng nặc, hơi thở thoi thóp của con thỏ thổi vào chiếc còi kêu tu tu, nghe như tiếng khóc thút thít mỗi lúc một nhỏ dần, còn tiếng cười của Sử Toán Anh lại càng lớn hơn. Nét cười trên gương mặt trẻ thơ, nhưng lại chẳng khác nào loài ác quỷ.
Từ đó, Sử Toán Anh lấy việc hành hạ các con vật nhỏ làm niềm vui. Hắn tìm một hang động bằng đá, đem những thứ bắt được nhốt tại đó, mỗi ngày đều say mê với sở thích ác độc của mình, cũng không ngừng nghĩ ra những hình thức tra tấn mới mẻ.
Có lúc hắn mổ bụng một con cáo, cắt ruột nó ra rồi nhét vào miệng của chính nó, nối thành một vòng. Hoặc có lúc hắn thả con sóc vào một chiếc lọ, lắc mạnh cho đến khi nó chết, cực kỳ tàn nhẫn.
Một hôm, Sử Toán Anh bởi vì mải chơi nên quên cả giờ giấc, khiến cha mẹ phải cuống cuồng lên đi tìm.
Vệ Xú tìm được hắn trước, thấy con trai đứng giữa hàng đống xác chết, mặt bám đầy máu tươi, mùi tanh tưởi vờn quanh cơ thể, vậy mà vẫn thản nhiên như không có chuyện gì.
Trong lòng người mẹ bỗng dâng lên một cảm giác đau nhói. Nàng vội xua tan đi uế khí tích tụ trong hang động, chạy tới ôm chầm lấy con trai, nước mắt bỗng chảy đầy trên gương mặt.
Sử Toán Anh đoán cha cũng đang đi tìm mình, liền đẩy mẹ ra rồi nói:
“Chỉ là mấy loài súc sinh hạ đẳng thôi, mẹ khóc cho chúng làm gì chứ?”
Hắn không hề biết rằng, mẹ hắn đúng là thương xót những con vật tội nghiệp kia thật, tuy nhiên niềm thương xót của nàng dành cho hắn càng nhiều hơn gấp bội.
Vệ Xú dẫu nuông chiều con, nhưng vẫn luôn dạy hắn điều hay lẽ phải. Đành rằng đây đều là những loài thú vật, nhưng thà dứt khoát giết chúng để ăn, chứ sao lại hành hạ chúng đến vậy?
Còn nhỏ mà đã có bản tính hung ác như thế, lớn lên liệu sẽ ra sao? Là một người mẹ, khi nghĩ về điều này có ai không khỏi đau lòng?
Sử Toán Anh bình tĩnh lấy khăn lau sạch vết máu, cởi quần áo ném vào ngọn lửa gần đó, lại đắp phấn hoa lên người để che đi mùi máu tanh, nhưng đang định thay một bộ quần áo mới thì cha hắn tìm tới.
Chứng kiến cảnh tượng trong động, Sử Đại Sinh vừa buồn vừa giận, liền giáng cho hắn một bạt tai sưng vù cả mặt. Vệ Xú thương con, vội lấy thân mình ra đỡ, khóc lóc van xin mãi Sử tông chủ mới chịu thôi.
Cảm thấy vô cùng thất vọng, Sử Đại Sinh đành giao con trai cho một trưởng lão trong tông dạy dỗ, chỉ là vẫn âm thầm theo dõi từ phía sau.
Sử Toán Anh tỏ ra biết lỗi, không lặp lại những việc làm tàn ác kia nữa, các sách đạo lý đều thuộc làu làu, dần dần cũng khiến cha hắn hài lòng, mẹ hắn vui vẻ trở lại.
Vài năm sau, khi đã đến tuổi tu luyện, Sử Toán Anh chẳng những thông qua bài kiểm tra linh căn, còn được phát hiện là sở hữu tư chất vạn năm có một, trên dưới Thất Dương tông đều lấy làm mừng rỡ.
Tư chất siêu việt, lại cần cù tu luyện, nhờ đó mà chỉ trong vòng một trăm năm, Sử Toán Anh đã bỏ xa những người đồng trang lứa, vượt mặt tất cả các sư huynh của mình, trở thành đệ tử nổi bật nhất lúc bấy giờ.
Mà khi ấy, Sử Đại Sinh giữ chức cũng đủ lâu, đã đến lúc cần phải định ra tông chủ đời kế tiếp.
Sử Toán Anh vừa là đệ tử ưu tú nhất, vừa là con trai của tông chủ, cũng đã được Xích Dương Hồn thừa nhận, thế nên ai nấy đều nghĩ rằng vị trí này chắc chắn sẽ thuộc về hắn.
Tuy nhiên, Sử Đại Sinh lại gạt sang một bên, lựa chọn một đệ tử khác của Xích Dương phong, tên là Tư Đồ Mẫn, tư chất hơi kém Sử Toán Anh một chút, nhưng là người có đức độ hơn hẳn. Mặc dù nằm ngoài dự đoán, song cũng không ai phản đối quyết định này.
Về phần Sử Toán Anh, ngoài mặt thì vẫn tỏ ra vui vẻ, chỉ là trong lòng cảm thấy vô cùng tức giận. Hắn tìm cách hẹn Tư Đồ Mẫn đến một nơi vắng vẻ, sau đó bất ngờ ra tay sát hại sư huynh của mình, cắt lấy thủ cấp treo trên một ngọn cây.
Người kế thừa chức tông chủ bị giết là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử, vì vậy trên dưới Thất Dương tông đều vô cùng phẫn nộ. Có người biết được trước khi chết, Tư Đồ Mẫn đã đi gặp Sử Toán Anh, nhưng sợ Sử tông chủ bao che cho con nên chỉ âm thầm lan truyền tin tức này ra ngoài.
Sử Đại Sinh nghe tin, liền gọi Sử Toán Anh đến hỏi rõ ràng. Đồng thời, lão cũng sai người lục soát nơi ở của hắn, phát hiện bên trong mật thất dưới phòng ngủ quả có thi thể của Tư Đồ Mẫn, bị ghép với đầu của một con heo.
Chẳng những vậy, bên cạnh đó còn có rất nhiều bộ xương lẫn xác chết đang phân hủy, của cả người lẫn thú.
Sử Toán Anh biết không thể chối cãi được nữa, liền thừa nhận tất cả. Tuy nhiên, hắn vốn tính kiêu ngạo, lại nghĩ dù cha có tức giận cũng không xử phạt mình quá nặng, thế nên chẳng hề lộ vẻ sợ hãi.
Nhưng có ngờ đâu, Sử tông chủ không màng tình riêng, lập tức tống giam hắn vào thiên lao, dự định phế bỏ tu vi để ngăn ngừa những điều đáng tiếc lại xảy ra.
Chỉ là việc đó chưa kịp thực hiện, Vệ Xú vì thương con, không nỡ nhìn hắn trở thành kẻ tàn phế nên đã lén thả đi. Sử Toán Anh mang theo nỗi oán hận sâu đậm đối với cha mình rời khỏi Thất Dương tông, lang bạt khắp nơi, không ai biết hắn đi đâu về đâu.
Chớp mắt mấy chục năm trôi qua, mọi chuyện cũng dần phôi pha theo thời gian. Nhưng khi cái tên Sử Toán Anh sắp sửa chìm vào quên lãng, hắn đột nhiên trở về, tu vi cũng tăng lên đáng kể.
Hắn không vội lộ diện mà ẩn mình tại phụ cận Thất Dương tông, nhân lúc Vệ Xú ra ngoài liền tìm cách liên lạc. Vệ Xú nghe được tin con thì vui mừng khôn xiết, đến lúc gặp nhau càng khó kìm được nước mắt.
Để được trông thấy con trai mỗi ngày cho thỏa nỗi mong nhớ suốt bao nhiêu năm, nàng lại giúp hắn lẻn vào trong tông.
Sử Toán Anh ngoan ngoãn trốn ở một nơi bí mật, hằng ngày bầu bạn với mẹ, lần lượt kể hết những chuyện mà hắn đã gặp phải, vui có, buồn có, và mỗi lần như vậy hắn đều nhớ đến mẹ.
Tuy nhiên, đó chỉ là lớp ngụy trang bề ngoài, mục đích thật sự của Sử Toán Anh chính là để ăn trộm Thất Tinh Quyết. Sau khi dò hỏi, biết các thói quen của Sử Đại Sinh vẫn không có gì thay đổi, hắn thầm tính toán thời gian rồi bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình.
Nhưng người tính không bằng trời tính, có một nữ đệ tử theo hầu Vệ Xú, thấy nàng ban đêm cứ ngồi may áo cho nam nhân, nhưng áo may xong mà tông chủ vẫn chẳng biết gì, còn ban ngày thì thường lén lút ra ngoài, tưởng phu nhân có tình lang khác nên đã báo lại.
Sử Đại Sinh nghe được, tức giận thì ít mà buồn bã với thất vọng thì nhiều. Tuy nhiên, dù là thế nào thì cũng phải chấm dứt việc này. Hôm sau, lão bèn giả vờ rời khỏi nhà rồi quay lại theo dõi, thấy quả đúng như nữ đệ tử kia đã nói.
Lúc ấy, Sử Toán Anh đã ghi nhớ toàn bộ Thất Tinh Quyết trong đầu, đang tìm cách từ biệt Vệ Xú thì bị Sử Đại Sinh bắt gặp. Cha con nhìn nhau, chẳng nói lời nào, mỗi người đều có một cảm xúc riêng.
Năm ấy, Sử Đại Sinh quyết định phế bỏ tu vi của hắn cũng là vì bất đắc dĩ, chứ đâu thật sự muốn thế. Nhưng Sử Toán Anh không hiểu điều đó, chỉ cho rằng lão ghét hắn, sợ hắn tài giỏi hơn lão, khiến tên tuổi lão trở nên lu mờ.
Sử Toán Anh biết tu vi của mình dù tăng mạnh vẫn thua Sử Đại Sinh một bậc, liền quỳ xuống cầu xin thứ lỗi. Vệ Xú vốn luôn muốn hai cha con làm hòa với nhau, cũng hết lời năn nỉ giúp.
Cảm thấy mủi lòng, Sử Đại Sinh cúi xuống đỡ hai người dậy. Nhân cơ hội này, Sử Toán Anh bỗng trở mặt, bất ngờ đâm lão một nhát vào tử huyệt, trước sự ngỡ ngàng của mẹ hắn, sau đó gây náo loạn rồi thừa cơ bỏ trốn.
Sử Đại Sinh gắng gượng được một lúc, song cũng không kịp trăn trối lại điều gì, chết không nhắm mắt. Vệ Xú vô cùng đau lòng, ngày đêm dằn vặt, nhốt mình trong phòng nửa năm rồi tự đoạn kinh mạch chết đi.
Về phần Sử Toán Anh, những tưởng lấy được bí kíp thì sẽ vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện nữa. Nhưng không, hắn âm thầm xây dựng một thế lực gọi là Vô Âm giáo, tụ tập giáo đồ, tích lũy lực lượng ba trăm năm rồi quay trở về tập kích Thất Dương tông.
Sau khi sai khiến đám giáo đồ mở ra một con đường máu, tiến vào Thất Dương tông, Sử Toán Anh chỉ đạo bọn chúng liên tục quấy phá, còn mình thì tìm đến nơi cất giữ Thất Tinh Quyết, điên cuồng lục tung từng viên gạch lên.
Trải qua một cơn choáng váng vì bị tấn công bất ngờ, tông chủ lúc bấy giờ mới cho khởi động Thất Dương đại trận. Sử Toán Anh biết trận pháp này lợi hại, liền kêu gọi mấy tên tâm phúc rời khỏi, để mặc cho bọn giáo đồ ở lại chịu chết.
Dù kẻ địch đã bị đánh đuổi, Thất Dương tông cũng tổn thất không nhỏ. Kể từ cái chết của Sử tông chủ, chuyện này lại khiến thực lực toàn tông một lần nữa giảm xuống, bị các thế lực lân cận không ngừng nhũng nhiễu.
Mà trong suốt thời gian mấy ngàn năm sau đó, Vô Âm giáo cũng nhiều lần trở lại tàn phá Thất Dương tông, phải đến khi Sử Toán Anh chết đi mới chịu ngừng. Tuy vậy, mối thù giữa hai tông giáo đã sâu như trời biển, không thể xóa nhòa.