Bí mật đầu tiên là chiếc hộp kho báu —— hay còn được cô gọi là nơi thả chim. Cô và chị gái Xuân Sướng đều trải qua giai đoạn tuổi dậy thì nổi loạn không thể công khai. Từ khi sinh ra, mẹ cô Xuân Sơ Trân chẳng khác nào bạo chúa dịu dàng song tâm trạng luôn thất thường, hiện diện ở khắp nơi, còn ba cô lại lười biếng và yếu đuối, không bao giờ can thiệp vào chuyện gia đình, am hiểu nhất là hòa giải và nịnh nọt.
Cô và chị gái khác nhau ở chỗ, cách Xuân Sướng giải tỏa sự bất mãn là viết lách, từ cấp hai cho đến nay, nhật ký của chị chất chồng như núi. Còn Xuân Tảo lại thích tích trữ và sưu tầm, những thứ cô thu thập đều kỳ quặc, Xuân Sơ Trân nhìn thấy chắc chắn sẽ chê bai mấy câu kiểu “toàn đồ đồng nát”, nhưng cô lại coi đó là cách để giải tỏa áp lực.
Bí mật thứ hai của cô cũng vô cùng đơn giản: Cô muốn ra ngoài phiêu lưu.
Đương nhiên điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm giáo dục của Xuân Sơ Trân. Bà luôn coi việc “đi chơi” như một thứ đồ nguy hiểm, trong khi lẽ ra đang ở cái tuổi nên được phơi nắng dầm mưa, hai chị em lại bị nhốt trong một không gian chật hẹp. Khi đó cả hai chị em đều ở nhà, bố cũng bị liên lụy, muốn mở TV xem bóng đá cũng phải xin phép trước.
Xuân Sơ Trân là một bà nội trợ, thu nhập gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào người cha làm công chức ở quận đã ba mươi năm. Bà luôn phàn nàn ông không có chí tiến thủ, muốn thăng tiến khó như lên trời.
Mặc dù từ nhỏ đến lớn không phải lo cơm áo gạo tiền, nhưng Xuân Sơ Trân, người nắm quyền tài chính trong nhà, lại keo kiệt đến mức tính toán chi li từng xu, tiền tiêu vặt của hai chị em đều phải ngửa tay ra xin và phải báo cáo chi tiết từng khoản.
Sau này chị gái cô vào đại học, trở thành một kẻ cuồng làm thêm, bước đầu tự lập về tài chính, không còn phải chịu sự kiểm soát của mẹ nữa. Kỳ nghỉ của chị cũng được lấp đầy bởi núi non, đồng xanh và biển cả. Vừa ngưỡng mộ, Xuân Tảo cũng vừa được hưởng lây không ít. Từ đó cô quyết tâm bắt đầu tiết kiệm tiền để ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba, cô sẽ vứt bỏ mọi xiềng xích, thoải mái lao về phía bờ biển vàng ươm cùng làn sóng xanh thẳm trong tâm tưởng của mình.
“Quỹ ngắm biển”.
Đó là cái tên cô đặt cho khoản tiết kiệm nhỏ của mình.
Trong đó ngoài những phong bao lì xì và tiền tiêu vặt mà chị gái thỉnh thoảng cho, vào kỳ nghỉ hè sau kỳ thi tuyển sinh vào cấp ba, cô cũng may mắn nhận được công việc đầu tiên mà mình có thể làm được.
Công việc đó đến từ một cô nàng xinh đẹp tên An Dịch học cùng lớp cấp hai, gia đình khá giả nhưng học lực luôn đứng bét bảng, lần này thi tuyển sinh không đạt điểm đỗ, nếu không đi du học thì phải vào trường nghề. Còn Xuân Tảo luôn đứng đầu lớp, bình thường hai người ít khi giao tiếp nhưng vào một ngày cuối tháng 7, cô ấy bất ngờ nhắn tin riêng cho cô thông qua nhóm QQ của lớp: Xuân Tảo, kỳ nghỉ này cậu có bận gì không?
Lúc đó Xuân Tảo đang học trước sách giáo khoa lớp 10, thời gian còn khá rảnh nên đã trả lời rằng không bận.
An Dịch nói: Tôi có quen một anh lớp 10 trường Nhị Trung, nghỉ hè ảnh không muốn làm bài tập nên nhờ tôi hỏi trong lớp có bạn nào học giỏi muốn nhận chép hộ bài tập không, cậu có muốn nhận không? Coi như kiếm thêm, giá cả có thể thương lượng.
Xuân Tảo ngập ngừng, mím môi thăm dò: Các cậu định trả bao nhiêu?
An Dịch đưa ra một con số: Nếu không đủ có thể thêm.
Thực ra số tiền cô ấy đưa ra đủ khiến Xuân Tảo – người vốn luôn khó khăn về tài chính – phải há hốc mồm, nhưng cô vẫn cẩn thận trả lời: Chiều tôi sẽ trả lời cậu sau.
Bốn giờ chiều An Dịch lại tìm cô, nói có thể tăng thêm giá.
Lần này Xuân Tảo không còn do dự nữa.
Sau khi nhận nhiệm vụ rõ ràng, cô lên mạng tìm kiếm một số kiểu chữ dành cho nam bắt chước viết hai ngày, chính thức bắt đầu sự nghiệp chép hộ bài tập của mình.
Nhưng cô chỉ nhận đơn trong những kỳ nghỉ dài.
Sau khi vào cấp ba, số môn học tăng vọt, bài vở dài như sớ, cộng thêm đôi mắt giám sát như camera của Xuân Sơ Trân, đương nhiên không thể tự do như trước.
Lên lớp 10, người bạn cũ tên An Dịch đã vào trường nghề và cũng từ người môi giới trở thành khách hàng trực tiếp của Xuân Tảo. Vào kỳ nghỉ đông năm lớp 10, Xuân Tảo đã nhận đơn của cô ấy và bạn trai.
An Dịch học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch, làm bài kiểm tra hộ An Dịch chẳng khác gì một niềm vui. Cô thường lén thức khuya, vừa tìm kiếm thông tin vừa làm bài, gián tiếp du ngoạn danh lam thắng cảnh và cũng được đến thăm hồ biển. Cô biến thành “Từ Hà Khách” trên giấy trắng mực đen.
(*) Từ Hà Khách (徐霞客, 1587–1641) là một nhà du hành, nhà địa lý và nhà văn thời nhà Minh của Trung Quốc. Ông nổi tiếng với cuốn “Nhật ký du hành của Từ Hà Khách” (徐霞客游记), ghi chép chi tiết về các chuyến du hành khắp Trung Quốc trong hơn 30 năm.
Cảm giác này thật tuyệt vời.
Và Xuân Tảo vẫn luôn cho rằng lần giao dịch này ngoài trời biết, đất biết, cô biết, An Dịch biết thì không còn ai biết nữa.
Đến cả bạn thân và chị gái, cô cũng chưa từng chia sẻ.
Làm sao có thể ngờ Nguyên Dã lại trở thành khán giả ngoài cuộc chứng kiến hiện trường phạm tội này cơ chứ.
Lúc này mặt cô đỏ bừng, cả sợi tóc cũng như muốn bốc cháy, cảm giác xấu hổ này không khác gì bị xử tử công khai.
Cô chỉ có thể đầu hàng, trong lòng lập tức quỳ gối thú nhận: “Đúng vậy, tôi đã từng đến quán net đó, cũng từng chép hộ bài tập cho người khác.”
Nguyên Dã hơi nheo mắt, bất đắc dĩ: “Có cần phải nói rõ ràng vậy không.”
Xuân Tảo không dám nhìn anh nữa: “Có nguyên nhân mà…”
Nguyên Dã hỏi: “Cậu thiếu tiền lắm hả?”
Thoạt nhìn hoàn toàn không giống. Gia cảnh không giống, ăn mặc hàng ngày cũng không giống, dù sao tiền thuê căn nhà này cũng không hề rẻ.
Xuân Tảo lắc đầu: “Không phải, vì tôi có một khoản tiết kiệm nhỏ.”
Nguyên Dã nhướng mày.
Đã lộ rồi, Xuân Tảo quyết định nói ra hết: “Để kỳ nghỉ hè năm lớp 12 có thể đi bất cứ đâu mà không cần nhìn sắc mặt mẹ và cũng có thể mua được những thứ mình muốn.”
“Vậy à.” Nguyên Dã gật đầu như suy tư gì đó.
Xuân Tảo lặp lại: “Ừm, là như vậy đó.”
Nguyên Dã hạ tay xuống, ánh mắt dời sang cuốn sổ ghi chép trước mặt cô: “Có thể cho tôi xem vở ghi chép của cậu được không?”
Xuân Tảo ngẩn người một lúc rồi đồng ý, đưa cuốn sổ của mình cho anh.
Nguyên Dã lật nhanh vài trang, luồng khí thổi tung mái tóc đen của anh, ánh mắt anh cực kỳ nghiêm túc khiến Xuân Tảo cảm thấy nóng trong lòng. Một lúc sau, anh đặt cuốn sổ xuống, quay đầu nhìn vào phòng ngủ của Xuân Tảo:
“Những môn khác thì sao, lịch sử, chính trị, địa lý, tiếng Anh hay ngữ văn đều được.”
Xuân Tảo không hiểu ý anh: “Cậu cần những thứ này làm gì?” Chẳng phải anh là học sinh khối tự nhiên sao?
Chàng trai cầm điện thoại bên cạnh lên, lướt nhẹ vài cái rồi đặt ngang cho cô xem.
Màn hình dừng lại trên giao diện ứng dụng bán đồ cũ: “Một số học sinh thi được điểm cao sẽ bán file pdf ghi chép của họ trên này, có môn lẻ, cũng có full toàn bộ. Cậu ghi chép cẩn thận sạch đẹp như vậy, không kiếm tiền từ đây thì phí quá.”
Đây là lần đầu tiên Xuân Tảo biết đến cách kiếm tiền này, cô có phần ngạc nhiên xem qua những đường link mà Nguyên Dã liệt kê.
Cô ngẩng đầu hỏi: “Thật sự có người mua sao?”
“Tất nhiên rồi,” Nguyên Dã hất cằm: “Cậu xem sổ ghi chép của người có tổng điểm thi đại học là 680 này đi, hơn 300 người muốn mua, kiểu gì cũng bán được một nửa rồi.”
Xuân Tảo lại hỏi: “Cậu từng bán bao giờ chưa?”
Nguyên Dã đáp: “Hồi tốt nghiệp cấp hai từng làm.”
“Tại sao sau này không bán nữa?”
“Sau này tôi bán đề rồi.”
“Bán đề gì.”
“Đề thi Olympic, cung cấp cho các cơ sở giáo dục.”
Xuân Tảo hoàn toàn không biết chuyện này: “Cái đó cũng bán được tiền sao? Như ở trong này, một bộ 2-30 tệ?”
Nghe vậy, Nguyên Dã cười: “Có khi còn hơn.”
Xuân Tảo càng tò mò: “Vậy là bao nhiêu?”
Nguyên Dã nói: “Ra một bộ đề 5000 tệ.”
Xuân Tảo: “……………………”
“Thật á?” Khoảng cách thu nhập này khiến cô khó tin, cứ tưởng mình bị ù tai.
Nguyên Dã: “Thật.”
Ngực đau, tim cũng đau, ngọn lửa ghen tuông thiêu đốt cô.
Cô hỏi: “Bắt buộc phải là học sinh đội tuyển mới được hả?”
Nguyên cũng: “Ừ, còn phải đạt huy chương vàng nữa.”
“Ồ…” Xác nhận không liên quan gì đến mình, Xuân Tảo loại bỏ ý đồ đầu cơ này, tập trung vào lợi ích có thể thực hiện ngay: “Vậy tôi cần phải làm gì?”
Nguyên Dã nhận lấy điện thoại, tùy ý đáp: “Chẳng cần làm gì cả, chỉ cần đưa tôi mượn vở ghi chép các môn của cậu một lúc là được.”
Xuân Tảo chớp mắt: “Chỉ cần là vở ghi chép từ khi vào cấp ba là được hả?”
“Ừ, cái nào cũng được.”
“Sau đó thì sao?”
“Tôi có tài khoản trên ứng dụng bán đồ cũ, trong điện thoại cũng có app scan, tôi sẽ scan pdf, làm file nén sau đó sẽ bán giúp cậu.”
“Tôi không cần làm gì hả?” Xuân Tảo cảm thấy không ổn lắm: “Cuối cùng tôi lại là người nhận được tiền á?”
“Bài vở do cậu chép còn gì?”
“Nhưng ——” Không đúng, cô cảnh giác, không để bị lừa bởi logic kỳ quặc của Nguyên Dã: “Tôi ghi chép lại để học chứ không nghĩ đến công dụng khác của nó, hơn nữa scan từng trang cũng mất công mà.”
Anh tưởng cô ngốc hả?
Hồi tiểu học cô đã từng đến cửa hàng in ấn để scan bài văn mẫu, sao có thể không biết nó phiền phức cỡ nào chứ.
Tâm tư của cô gái hoàn toàn hiện rõ trên mặt.
Nguyên Dã nhịn cười, bình tĩnh nghịch cây bút trên tay: “Không phải tôi không lấy công, chia 2-8, tôi lấy 2 phần công, thế nào?”
Xuân Tảo cân nhắc một chút rồi quyết định.
Sau khi chất tất cả sổ ghi chép trong phòng thành một tòa tháp cao rồi mang ra ngoài, Xuân Tảo chia chúng thành hai chồng đặt bên cạnh bàn rồi phủi tay nhìn Nguyên Dã: “Nhiều lắm đấy, bây giờ hối hận vẫn còn kịp.”
Nguyên Dã liếc nhìn: “Chừng này đã là gì.”
Anh lật xem những cuốn vở ghi chép khác của cô, chữ của cô gái là kiểu chữ tiểu khải điển hình, tinh tế cẩn thận đến mức có thể làm chữ mẫu, những đầu mục quan trọng đều được đánh dấu bằng bút mực xanh hoặc đỏ, một số tiêu đề còn được tô bằng bút dạ. Mỗi trang dưới cùng đều đánh số trang, bên cạnh có dán giấy note màu, ghi chú tóm tắt kiến thức từng giai đoạn, dễ dàng tra cứu.
Thưởng thức một lúc, Nguyên Dã rời mắt khỏi trang giấy, phát hiện cô gái vẫn nhìn về phía này như có điều gì muốn nói.
“Cậu có gì muốn nói sao?” Anh gập cuốn sổ ghi chép của cô lại.
“Cậu dùng phần mềm scan gì vậy?” Cô giơ điện thoại lên: “Tôi có thể tải về làm cùng cậu, như vậy hiệu suất sẽ cao hơn.”
“Không cần đâu,” lý do Nguyên Dã đưa ra không thể bác bỏ: “Dễ loạn lắm.”
“…” Xuân Tảo thở dài, không thể tập trung đọc sách được nữa. Một lát sau, cô đặt sách xuống, mím môi gọi: “Nguyên Dã.”
“Ừ?”
“Sao cậu đối xử với tôi tốt vậy?” Giọng cô như sắp khóc, vành mắt hơi đỏ song vẫn cố gắng nhịn.
“…” Anh đột nhiên thấy bối rối, khó mà trả lời câu hỏi này, có lẽ vì cô hỏi quá mức thẳng thắn, ánh mắt lại quá đỗi ngây thơ; cũng có thể vì câu trả lời duy nhất đã ẩn náu trong lòng anh từ lâu, khó mà mở miệng.
Nó ngày càng trở nên lớn hơn, lan rộng hơn, từ từ nuốt chửng lý trí và tâm tư của anh. Cũng không đến nỗi quá nặng nề, càng không có sơ hở nào, anh có đủ lý trí để kéo nó lại trước khi nó sắp rơi xuống vực, không để nó đổ xuống dưới chân cô quá sớm và làm phiền đến cô.
Vì vậy Nguyên Dã bình tĩnh đáp:
“Có lẽ là… ‘từng bị ướt mưa nên muốn che ô cho người khác’ như trên mạng thường nói ấy?”
“Cái gì vậy trời.” Cô gái bật cười, rõ ràng đã bị câu trả lời này đánh lừa.
Nguyên Dã khẽ mỉm cười, lập tức bắt đầu scan cuốn sổ ghi chép trước mặt.
Anh tạo riêng một album và lưu chúng dưới dạng ảnh.
Thấy anh bắt đầu bận rộn, Xuân Tảo không làm phiền nữa, cô vào phòng lấy cuốn “Hồng Lâu Mộng” ra đọc lần thứ tư.
Nguyên Dã chăm chú sao chép tài liệu của cô vào điện thoại, cũng cẩn thận đọc từng đoạn miêu tả tinh tế của cô. Ánh mắt anh dừng lại ở một trang nào đó, “Gió thổi qua cánh đồng, những ngọn cỏ non cũng uốn mình trong đất cát và sỏi đá, tô điểm một màu xanh mới —— Ấy là màu xanh lá, một màu sắc tràn đầy hy vọng, lặng lẽ lan ra. Vô số ngọn cỏ đan thành chiếc neo ném về phía bờ bên kia, đưa cả cánh đồng hoang đến với mùa xuân.” Chăm chú đọc đoạn văn này một lúc lâu, Nguyên Dã thoát khỏi ứng dụng scan, mở camera lên, bật chế độ im lặng rồi chụp lại toàn bộ trang này.